(GLO)- Từ khi hoàn thành đến nay, công trình đại thủy nông Ayun Hạ như mạch nguồn không vơi cạn, ngày đêm tưới mát cho một vùng từng được xem là đất khát, làm nên bao mùa vàng. Đó là nhờ sức lao động miệt mài và cả sự hy sinh của những người tiên phong trên công trường ngày ấy.
Đại công trường ngày đêm không ngủ
Đã gần 36 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày đầu di cư từ Hà Nội vào nơi núi hoang rừng thẳm xây dựng công trình đại thủy nông Ayun Hạ vẫn còn vẹn nguyên đối với ông Nguyễn Đình Duyệt (quê Bắc Giang). Ông Duyệt nhớ lại: Năm đó, ông đang là lái xe của Liên hiệp 1 (Bộ Thủy lợi) thì được điều động vào đây. Mỗi ngày, ông vượt hơn 20 km để lấy nước về phục vụ công trình và nước sinh hoạt cho công nhân, đều đặn 8 chuyến/ngày, lúc cao điểm thì tăng gấp đôi.
“Tuy thiếu thốn mọi thứ nhưng công nhân trên công trình đều hồ hởi, phấn khởi tập trung xây dựng đập, đào kênh mong sớm đón dòng nước mát. Ban đầu, nhiều anh em cũng dao động, nhưng rồi việc nối việc, chẳng còn ai nghĩ đến chuyện quay về. Hết ngày thì lại sang đêm, trên công trường lúc nào cũng sáng đèn. Ngày 2 ca, đêm 3 ca, công nhân thay nhau làm việc liên tục không ngừng. Tiếng ca hát động viên nhau át cả tiếng xe cơ giới. Bài ca xây dựng cứ thế vang vọng mãi không thôi giữa bốn bề rừng núi”-ông Duyệt tự hào kể.
Là nữ “thủ lĩnh” duy nhất của công trình, bà Mai Thị Mỵ (quê Nga Sơn, Thanh Hóa) cho biết: Đến giờ, giọng của bà vẫn còn khàn đặc, nhiều lúc nói to không kiểm soát âm lượng là do “dư chấn” của những tháng ngày làm việc trên công trường. Chỉ huy gần 200 công nhân nhưng Đội trưởng Đội xây lát (Công ty Xây dựng thủy lợi 45, Bộ Thủy lợi) cũng có những phút yếu mềm. Đó là những ngày đầu tập kết vào đây, không thấy nhà cửa mà chỉ toàn rừng rậm. “Lúc đó, tôi tự hỏi mình: Đang ở Hà Nội sung sướng, tự dưng xung phong vào đây làm chi? Tôi dự định hết thời gian công tác 6 tháng rồi quay về. Nhưng công trình níu chân, tình cảm gắn bó của những ngày đồng cam cộng khổ khiến tôi không thể rời bước”-bà Mỵ cho hay.
Chỉ vài tháng sau khi Đội khảo sát thiết kế vào thực tế địa hình thì bà Mỵ có mặt để giám sát việc xây dựng lán trại đón công nhân, nghiên cứu mở đường vào công trình. Sau hơn 1 tháng, tuyến đường gần 1,5 km từ quốc lộ 25 vào đến nơi dự kiến làm thân đập được hoàn thành. Hàng loạt công ty khác bắt đầu vào cuộc triển khai các phần việc như: làm đập chính, khai thác vật liệu thi công các hạng mục… Khối lượng công việc rất lớn, khó diễn tả hết không khí tấp nập lúc bấy giờ khi hàng trăm xe cơ giới được điều động làm việc không kể ngày đêm. Trên công trường bao giờ cũng có khoảng hơn 2.000 công nhân, lúc cao điểm gần 3.000 người. Chính vì vậy, bếp tập thể luôn đỏ lửa. Có người đứng trực bê tông 1 tuần ròng rã, chỉ tranh thủ húp bát cháo rồi lại vào ca, vừa đổ bê tông vừa hát.
Nước từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ đã tưới mát những vùng đất khô khát ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Ảnh: Minh Nguyễn |
Cứ thế ròng rã gần 5 năm trời, hàng triệu mét khối đất đá đổ xuống, thân đập mới hoàn thành. Rồi thời điểm quan trọng cũng đến: Chặn dòng tích nước. Bà Mỵ bồi hồi nhớ lại: “Trước ngày chặn dòng, ai cũng mừng rỡ, thức trắng cả đêm chờ thời khắc quan trọng. Xen lẫn giữa không khí phấn khởi là những cái ôm siết chặt, những cái nắm tay. Cờ dong trống mở từ trung tâm huyện Ayun Pa cũ cho đến tận chân đập, tiếng cồng chiêng vang vọng mãi giữa những điệu xoang nhịp nhàng”.
Giữa thời khắc được mong chờ ấy, niềm vui sướng ánh lên trên những gương mặt đen sạm. Nhờ sự quyết tâm, đoàn kết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, họ mới có thể bám trụ nổi ở nơi nắng nóng khắc nghiệt, luôn ở mức 38-40 độ C, cuộc sống tập thể kham khổ, thiếu thốn mọi thứ, ngay cả nước sinh hoạt. Cá khô, mì phơi gác bếp, cơm trộn hạt bo bo là những món thường trực trên bàn ăn hàng ngày. Nhiều lần họ phải chứng kiến những hình ảnh đau thương: Có chị chẳng may qua đời do bị xe lùi vô ý trúng người, có anh lái xe chở dầu lật đèo bỏ mạng, có người gửi lại đôi cánh tay nơi rừng núi vì tai nạn lao động. “Nhưng rồi, tất cả những điều đó không làm chùn bước những người ở lại. Rất đau buồn nhưng chúng tôi nuốt nước mắt vào trong để động viên anh em tiếp tục thi công. Từng tham gia nhiều công trình lớn nhưng có lẽ công trình đại thủy nông Ayun Hạ để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhất”-bà Mỵ xúc động chia sẻ.
Cho mùa vàng bội thu
Cùng với quá trình chặn dòng tích nước công trình đại thủy nông Ayun Hạ, hệ thống kênh mương cũng được xây dựng, đồng ruộng được khai hoang. Kênh đi đến đâu thì dân kinh tế mới vào đến đó, mầm sống lan tỏa muôn nơi. Bà Mỵ kể: “Cùng với hàng ngàn hộ dân kinh tế mới từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp, hàng trăm công nhân sau khi hoàn thành nhiệm vụ cũng ở lại bắt nhịp với cuộc sống nơi này”.
Dọc quốc lộ 25 xuyên qua huyện Phú Thiện, nơi những con đường nhánh trải bê tông phẳng lì dẫn ra khu sản xuất là cánh đồng trải dài ngút mắt. Trên khắp cánh đồng các xã: Ia Sol, Chư A Thai, Ayun Hạ, Ia Ake, Ia Peng, Ia Yeng đều trải dài một màu vàng ươm. Máy gặt đập liên hợp hoạt động không ngừng, chốc chốc từng bao lúa đầy được khuân tấp lên bờ, chờ xe công nông hối hả vận chuyển về kho.
Nhờ công trình đại thủy nông Ayun Hạ, người dân chuyển sang thâm canh lúa nước 2 vụ, năng suất bình quân đạt 8,5 tấn/ha/vụ. Ảnh: Minh Nguyễn |
Ông Đinh Văn Ân-Giám đốc Chi nhánh đầu mối hồ Ayun Hạ (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai): Hồ Ayun Hạ có diện tích mặt nước 37 km2, dung tích 253 triệu m3 phục vụ nước tưới cho hơn 13.500 ha theo thiết kế. Hiện công trình đạt công suất tưới 70%. Ngoài ra, công trình còn làm nhiệm vụ phát điện 3 nhà máy điện và 1 nhà máy nước sạch (công suất 40.000 m3/ngày đêm), hiện công suất đạt 60% so với thiết kế. |
Ông Ksor Jun-Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) cho hay: Ngày trước, ông trồng lúa rẫy, sản lượng mỗi năm chỉ tính bằng gùi. Không nước tưới nên dù ruộng đất mênh mông, ông chỉ chọn một khoảnh nhỏ tầm 2 sào để chọc trỉa. “Đủ ăn qua mùa giáp hạt đã là điều may mắn thời đó”-ông Jun kể. Từ khi dòng nước Ayun Hạ tưới mát ruộng đồng, ông khai hoang mở rộng diện tích, đến nay đã có 1,5 ha lúa nước 2 vụ. Năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt 9 tấn/ha, vụ mùa tầm 7,5 tấn/ha. Cũng nhờ vậy mà gia đình ông có của ăn của để. Kỳ tích này có được đều là nhờ nguồn nước từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ.
Đến vụ thu hoạch, dọc theo quốc lộ 25, các thương lái tìm đến thu mua nông sản nhộn nhịp. Ảnh: Minh Nguyễn |
Từ khi đưa vào hoạt động, công trình đã làm sống dậy một vùng đất khát. Người dân bắt đầu thâm canh, tăng vụ, năng suất lúa không thua kém bất cứ vùng đất phì nhiêu nào. Là thế hệ F1 của lứa công nhân đầu tiên vào đây xây dựng công trình và định cư nơi đất mới, ông Lê Xuân Mạnh-Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ được nghe kể nhiều về chuyện xây đập, đào kênh. Ông Mạnh cho hay: Công trình thủy lợi Ayun Hạ được đưa vào khai thác từ năm 1994 đến nay, hiệu quả dễ thấy nhất là đã đưa lúa nước lên vùng cao. Trước khi có công trình này, bà con chủ yếu trồng lúa rẫy, hiệu quả kinh tế rất thấp. Nước từ công trình đã tưới mát những vùng đất khô khát, làm tăng mạnh diện tích lúa nước. Đến nay, toàn xã có hơn 800 ha lúa nước 2 vụ, góp phần xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. “Thời gian tới, ngoài việc khơi thông nguồn nước tưới cho những cánh đồng lúa, xã Ayun Hạ cũng đang hướng tới phát triển vườn cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, gắn với khai thác lòng hồ và Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi. Xã đã thành lập hợp tác xã phát triển du lịch nhằm chuyển đổi lĩnh vực sản xuất, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân”-Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ thông tin.
Theo ông Mai Văn Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện: Hiện nay, công trình đại thủy nông Ayun Hạ phục vụ nước tưới cho gần 8.000 ha lúa nước 2 vụ của huyện, năng suất đạt khoảng 8,5 tấn/ha. Ngoài ra, công trình còn cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và nuôi trồng hơn 340 ha thủy sản. “Diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện lên đến 26.000 ha. Do vậy, thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu xây dựng các trạm bơm cùng với hệ thống kênh nhánh để mở rộng diện tích cây trồng, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống”-ông Quý cho biết thêm.
MINH NGUYỄN