Kinh tế

Tài chính

Công ty chứng khoán 'họ' FLC muốn chấm dứt một phần hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (mã ART) vừa công bố tài liệu họp đại hội cổ đông bất thường năm 2023 lần 2. Một trong những nội dung đáng chú ý là tờ trình về việc chấm dứt tự nguyện hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh.

Đại hội cổ đông bất thường của Chứng khoán BOS dự kiến tổ chức ngày 24/8 tới, tại Hà Nội.

Công ty sẽ trình đại hội đồng cổ đông thông qua việc chấm dứt tự nguyện hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch phái sinh và chấm dứt tư cách thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh tại Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam. Thay đổi này nhằm ổn định, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Công ty chứng khoán “họ” FLC muốn chấm dứt một phần hoạt động.

Công ty chứng khoán “họ” FLC muốn chấm dứt một phần hoạt động.

Công ty được Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh từ tháng 9/2019. Ngày 18/1/2023, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam chấp nhận Chứng khoán BOS là thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh.

Tài liệu đại hội bất thường sắp tới còn có tờ trình miễn nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Trịnh Văn Nam theo đơn từ nhiệm ngày 22/6 vừa qua. Ông Nam được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng quản trị Chứng khoán BOS từ ngày 16/8/2022. Ông Nam cũng từng ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị vỏn vẹn hơn 1 tháng từ ngày 29/9 - 11/11/2022.

Cùng với việc miễn nhiệm ông Nam, công ty cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung 1 nhân sự lãnh đạo thay thế.

Ngày 11/8 tới, cổ phiếu ART sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HNX do công ty vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Đến nay, công ty vẫn chưa thể phát hành báo cáo tài chính năm 2022, báo cáo thường niên 2022, báo cáo tài chính các quý 3,4/2022, quý 1,2/2023.

Với việc ART phải rời sàn, sau hơn 1 năm ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, nhóm FLC "vang bóng một thời" giờ có tới 6/7 cổ phiếu bị hủy niêm yết (FLC, AMD, HAI, GAB, ROS và ART). Mã duy nhất còn trên sàn là KLF, thì bị đình chỉ giao dịch.

Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE, các cổ phiếu FLC, AMD, GAB, HAI được chấp thuận niêm yết trên UPCoM, nhưng đồng thời bị đưa vào diện đình chỉ giao dịch.

Ngoài KLF, các cổ phiếu nêu trên đều bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng giá. Cơ quan điều tra xác định, từ 1/9/2016 - 10/1/2022, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái lập nhiều tài khoản để giao dịch thao túng giá với 6 mã chứng khoán: FLC, ROS, ART, HAI, AMD, GAB.

Có thể bạn quan tâm