Kinh tế

Giá cả thị trường

Công ty Điện lực Gia Lai kéo giảm tổn thất điện năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công ty Điện lực Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ thời gian mất điện của khách hàng, đảm bảo cấp điện an toàn và phòng ngừa sự cố gây tổn thất điện năng.

Công nhân Điện lực Mang Yang kéo điện về làng Đê Kôn (xã Hà Ra, huyện Mang Yang). Ảnh: Kim Linh
Công nhân Điện lực Mang Yang kéo điện về làng Đê Kôn, xã Hà Ra, huyện Mang Yang (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Kim Linh

Điện lực Kbang đang quản lý vận hành 162 trạm biến áp (TBA) có hệ thống thu thập chỉ số công tơ từ xa (RF-Spider) với 18.610 khách hàng, trải đều trên 15 xã, thị trấn. Khoảng cách từ trung tâm huyện đến xã xa nhất là 80 km, vùng phủ sóng 3G, 4G còn nhiều hạn chế nên công tác quản lý, vận hành lưới điện gặp nhiều khó khăn. Từ khi hệ thống RF-Spider đưa vào sử dụng đã đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho cả đơn vị quản lý vận hành lẫn khách hàng. Nhờ hệ thống này, những công tơ có hiện tượng bất thường như: mất dòng, mất áp, không có sản lượng… đều được kịp thời phát hiện để nhanh chóng xử lý.

Cùng với đó, Điện lực Kbang còn tối ưu hóa các router không quản lý node các TBA trong chương trình RF-Spider mà dựa vào sơ đồ quan hệ RF-Mesh nhằm làm tăng tỷ lệ online cũng như có router xử lý các router offline, hư hỏng TBA. Đơn vị thường xuyên theo dõi xử lý kịp thời sự cố của hệ thống nên hiệu quả mang lại luôn đạt 99,97% và được xếp hàng đầu. Ông Trình Văn Nhị-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tiến Tường-chia sẻ: “Thông qua hệ thống này, đơn vị đã chủ động theo dõi sản lượng điện tiêu thụ của doanh nghiệp theo ngày, giờ và chu kỳ để có chỉ đạo điều chỉnh phù hợp nhằm giảm chi phí tiền điện. Đây là chương trình rất có ích và hiệu quả cao đối với các doanh nghiệp”.

Năm 2021, bên cạnh việc cung cấp điện cho các hộ dân trên địa bàn, Điện lực Đức Cơ còn truyền tải hộ công suất cho 196 khách hàng điện mặt trời mái nhà (gồm 38 khách hàng nối lưới trung áp và 158 khách hàng nối lưới hạ áp) với tổng công suất 41,76 MWp, cùng với đó là dự báo sản lượng điện nhận của Điện lực tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) sẽ giảm mạnh. Do vậy, theo tính toán, tỷ lệ tổn thất trong năm 2021 là 3,4%, cao hơn 0,23% so với năm 2020 (kế hoạch giao năm 2020 là 3,17%). Đây là nhiệm vụ rất khó. Do vậy, ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu được giao.

Ông Trần Minh Thắng-Giám đốc Điện lực Đức Cơ-cho biết: Đối với công tác quản lý vận hành lưới điện, đơn vị phối hợp với điều độ viên B40 thường xuyên kiểm tra điều chỉnh điện áp đầu nguồn tại TBA 110 kV Đức Cơ và các TBA phụ tải cho phù hợp. Đồng thời, vận hành hợp lý các tụ bù trung hạ áp nhằm giảm công suất phản kháng truyền tải trên lưới điện, sử dụng chương trình PSS/Adept để tính toán phương thức vận hành lưới điện trung áp sao cho tối ưu nhất. Phát quang hành lang tuyến đường dây trần, vận hành các TBA công cộng để mang tải và có bán kính cấp điện phù hợp; làm việc với khách hàng để cô lập các TBA khi không sử dụng.

“Đối với công tác kinh doanh, đơn vị ứng dụng triệt để các tính năng của chương trình DSPM, RF-Spider vào theo dõi, tính toán tổn thất nhằm sớm phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường để truy thu kịp thời, tránh thất thoát sản lượng. Nhờ vậy, trong những tháng đầu năm 2021, lũy kế thực hiện tổn thất điện năng của Điện lực Đức Cơ là 2,93%, thấp hơn 0,46% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn 0,47% so với kế hoạch giao và không có TBA tổn thất lớn hơn 8%”-Giám đốc Điện lực Đức Cơ thông tin thêm.

 Công ty Điện lực Gia Lai triển khai nhiều giải pháp giảm sự cố lưới điện, giảm tổn thất điện năng. Ảnh: Kim Linh
Công ty Điện lực Gia Lai triển khai nhiều giải pháp giảm sự cố lưới điện, giảm tổn thất điện năng. Ảnh: Kim Linh


Được biết, ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực Gia Lai đã củng cố, tăng cường năng lực và trách nhiệm của tiểu ban nâng cao độ tin cậy cung cấp điện tại các đơn vị trực thuộc. Mọi sự cố trên lưới điện đều được lập biên bản hiện trường và tổ chức điều tra xác định nguyên nhân. Công ty còn tập trung nhân lực kiểm tra, rà soát các nguy cơ, kịp thời xử lý, khắc phục để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng, đảm bảo cấp điện cho trung tâm y tế, bệnh viện phục vụ khám-chữa bệnh và điều trị bệnh Covid-19.

Cùng với đó, Công ty cũng triển khai phương án xử lý các vị trí tiếp địa không đạt; lắp đặt 53,4 km đường dây chống sét; thay thế 18 máy biến áp vận hành trên 20 năm với tổng công suất 4.650 kVA; thay sứ, thay dây dẫn trung áp trần bằng dây bọc, lắp đặt chụp bảo vệ chống động vật tại các vị trí hở của các thiết bị; trít các lỗ trụ bằng xi măng, keo giãn nở để hạn chế tối đa động vật chui vào sinh sống, làm tổ, gây chạm chập, đồng thời bổ sung bộ néo để tăng cường khả năng chịu lực cho cột điện ở các vị trí xung yếu.

 

 KIM LINH

Có thể bạn quan tâm