Kinh tế

CPI cả nước tháng 4-2024 tăng do tác động của giá xăng dầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 4-2024 tăng 0,07% so với tháng trước và bình quân 4 tháng đầu năm tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chính vẫn là giá xăng dầu tăng.

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu CPI tháng 4-2024 tăng 0,07% so với tháng trước. Giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm CPI tháng 4-2024 có mức tăng.

Biến động của giá xăng dầu đã ảnh hưởng tới CPI chung của nền kinh tế

Biến động của giá xăng dầu đã ảnh hưởng tới CPI chung của nền kinh tế

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 4-2024 của 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 3 nhóm hàng giảm giá.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 4-2024 so với tháng trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 4-2024 so với tháng trước. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Cụ thể, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: giao thông tăng cao nhất với 1,95% (làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm). Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, nhóm này có mức tăng cao chủ yếu do giá xăng trong nước tăng 4,78%; giá dầu diezen tăng 2,01% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

Bên cạnh đó, phí học lái xe tăng (tăng 0,26%); giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng (0,47%); giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng (10,42%); đường thủy tăng (0,06%); đường bộ tăng (0,13%); taxi tăng (0,56%)... do giá xăng dầu tăng.

Kế đến là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92% do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca viêm phổi, thủy đậu, tay chân miệng tăng nhanh nên người dân có nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,27% chủ yếu do tăng giá các mặt hàng đồ dùng cá nhân (tăng 0,6%). Trong đó, giá đồ trang sức tăng 5,4% theo giá vàng trong nước; dịch vụ sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,42%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,52%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,12%...

Ngược lại, trong tháng 4, có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: nhóm giáo dục giảm tới 2,93%, kế đến là bưu chính viễn thông giảm 0,17%; hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 0,13% (xem bảng trên).

Có thể bạn quan tâm