TN - Đất & Người

CQĐT vào cuộc vụ doanh nghiệp chiếm đoạt ngân sách Nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thanh tra tỉnh Đắk Nông vừa có công bố kết luận thanh tra về việc cho các doanh nghiệp (DN) tạm ứng kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Thanh tra tỉnh đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc chi trả, tạm ứng tiền cho các DN lên đến hàng chục tỷ đồng…
Thanh tra tỉnh Đắk Nông kiến nghị, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để điều tra, làm rõ xử lý những sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Kê khống để “rút” tiền
Đầu năm 2008, Công ty TNHH Hoàng Ba (Công ty Hoàng Ba) được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê 1.045ha rừng, đất rừng tại Tiểu khu 1522, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức để thực hiện dự án trồng cao su và trồng rừng nguyên liệu.
Theo đó, trong tổng số diện tích được thuê, công ty buộc phải quản lý, bảo vệ 683ha rừng nguyên sinh, trồng 326ha cao su và 29ha rừng nguyên liệu, số còn lại xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự án được đầu tư hơn 117 tỷ đồng, thời gian thuê đất là 50 năm tính từ ngày có quyết định thuê đất.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện dự án, DN trên đã để mất 320/682ha rừng được giao quản lý, bảo vệ và 97ha rừng chưa được chuyển đổi. Tổng thiệt hại về rừng được Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông xác định trên 46 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ năm 2013 đến năm 2018, Công ty Hoàng Ba được chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền gần 2 tỷ đồng nhưng DN này chỉ rút tiền mặt sử dụng, không có chứng từ chi và hạch toán kế toán, không có chứng từ chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng.
Một góc rừng được giao cho Công ty Hoàng Ba bị chặt phá tan hoang.
Một góc rừng được giao cho Công ty Hoàng Ba bị chặt phá tan hoang.
Nghiêm trọng hơn, Công ty Hoàng Ba đã kê khống số diện tích để được hưởng dịch vụ môi trường rừng dẫn đến việc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông đã chi sai số tiền 241 triệu đồng.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông xác định, Sở NN&PTNT Đắk Nông và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại dự án nhưng lại không có biện pháp xử lý triệt để trong khi tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Điều đáng nói, rừng bị mất liên tục nhưng Công ty Hoàng Ba, Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức, UBND xã Quảng Trực, Ban Lâm nghiệp xã Quảng Trực không cập nhật diễn biến rừng bị mất, không lập biên bản vi phạm hành chính.
Trước sự việc trên, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh để khởi tố, điều tra sai phạm của người đứng đầu DN này, thu hồi tiền cho Nhà nước; đề nghị các sở xác định nguyên nhân và thiệt hại để tham mưu UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp đền bù thiệt hại về rừng, thu hồi các quyết định chứng nhận đầu tư, quyết định cho thuê đất và thu hồi dự án đã cấp cho Công ty Hoàng Ba.
Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm điểm những cá nhân, tập thể liên quan có vi phạm trong những sai phạm của Công ty Hoàng Ba.
Nhận tiền xong… bỏ trốn
Đối với Dự án cải tạo, thi công Quốc lộ 28, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan khiến số tiền hơn 11 tỷ đồng ngân sách Nhà nước có nguy cơ bị chiếm đoạt, không thể thu hồi.
Theo kết luận, tháng 12-2009, Sở GTVT Đắk Nông ký hợp đồng thi công 3 gói thầu thuộc Dự án cải tạo, thi công Quốc lộ 28 với Công ty CP Đầu tư xây dựng và công trình giao thông 874 (gói số 1), Công ty xây dựng công trình giao thông 875 (gói số 3) và Liên doanh các Công ty Yến Ngân, Tiến Quang và Việt Đức (Công ty Yến Ngân làm đại diện, gói số 6). Tổng giá trị ba gói thầu hơn 79 tỷ đồng, bắt đầu khởi công từ đầu năm 2011.
Trong quá trình thi công, các đơn vị thi công đều được BQL dự án 1 (Sở GTVT Đắk Nông) cho tạm ứng tiền. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư xây dựng và công trình giao thông 874 được tạm ứng 5,8 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, sau 6 tháng thi công, dù mới thực hiện được một phần gói thầu, công ty này đã rút khỏi công trường.
Đáng chú ý, không những không xử phạt vi phạm hợp đồng, BQL dự án và chủ đầu tư vẫn nghiệm thu và thanh toán thêm cho DN này 6,7 tỷ đồng. BQL dự án 1 chỉ trừ đi hơn 1,3 tỷ đồng và vẫn để DN này giữ lại số tiền tạm ứng 4,4 tỷ đồng.
Tương tự, BQL dự án 1 cũng tạm ứng cho Công ty xây dựng công trình giao thông 875 số tiền 5,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, một tháng sau khi Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và công trình giao thông 874 rút khỏi công trường thì DN này cũng theo đuôi.
Thế nhưng khi nghiệm thu, BQL dự án 1 chỉ trừ hơn 1,3 tỷ đồng tạm ứng, đồng thời tiếp tục trả thêm cho nhà thầu này gần 5 tỷ đồng, để Công ty xây dựng công trình giao thông 875 chiếm dụng hơn 3,2 tỷ đồng. Cũng như vậy, BQL dự án 1 đã làm thất thoát của nhà nước gần 4 tỷ đồng khi cho Công ty TNHH Yến Ngân ứng tiền.
Để thu hồi tiền đã cho các DN tạm ứng, năm 2015, Sở GTVT Đắk Nông đã khởi kiện 3 DN này ra TAND huyện Đắk GLong. Tòa án đã tuyên buộc các DN phải hoàn trả cho Sở GTVT Đắk Nông gần 20 tỷ đồng bao gồm tiền tạm ứng, tiền xử phạt vi phạm hợp đồng và tiền lãi ngân hàng.
Tuy nhiên, các DN trên không còn hoạt động, không có khả năng tài chính, nên số tiền thất thoát không thể thu hồi. Việc Sở GTVT Đắk Nông khởi kiện các DN này… chỉ là thủ tục, còn tiền thì không biết đòi ai.
Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, để xảy ra sự việc này, BQL dự án 1 và chủ đầu tư là Sở GTVT Đắk Nông đã thiếu chủ động, thiếu chặt chẽ trong chỉ đạo, không xử lý kịp thời, kiên quyết theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm của nhà thầu.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT và UBND huyện Đắk Song tổ chức kiểm điểm những cá nhân, tổ chức có khuyết điểm, vi phạm, sai phạm liên quan. Đồng thời, đôn đốc DN nợ tiền tạm ứng nhanh chóng hoàn trả.
Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh cũng đã chuyển hồ sơ các vi phạm sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông để điều tra, xử lý 3 nhà thầu vì có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt số tiền hơn 11,6 tỷ đồng.
Văn Thành (cand)

Có thể bạn quan tâm