Ảnh đẹp ngày tết

Củ cải 'hồng phát' độc đáo chưng Tết ở Bến Tre

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ một loại thực phẩm thường được dùng để làm thức ăn, làm đường nhưng qua bàn tay và sự sáng tạo đầy táo bạo của một chàng trai 8X ở Bến Tre, đã “phù phép” củ cải đường trở thành những cây kiểng chưng Tết độc đáo, có một không hai.

Anh Tú và sản phẩm củ cải hồng phát của mình - Ảnh: Kim Hà.
Anh Tú và sản phẩm củ cải hồng phát của mình - Ảnh: Kim Hà.


Chủ nhân của vườn củ cải độc nhất vô nhị nói trên là của anh Nguyễn Tuấn Tú (33 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Vốn xuất thân tại thủ phủ hoa kiểng Cái Mơn nên anh Tú luôn khao khát tìm được những loại kiểng độc lạ vừa làm phong phú thêm xứ kiểng quê mình, vừa tránh dội hàng ế chợ.

“Khi đang ngồi uống trà với người em, rồi 2 thằng bàn với nhau tìm cái gì nó lạ để đưa ra thị trường dễ bán một chút. Vô tình tôi phát hiện giống của cải này xuất xứ ở Nga củ to, có màu đỏ, lá xanh rất đẹp, mà người dân của mình vào dịp cuối năm rất chuộng màu đỏ nên tôi nghĩ loại củ này sẽ thích hợp bán Tết. Từ cái ý tưởng vậy cái mình mạnh dạn mình làm đại, cũng không biết có bán được không?” – anh Tú chia sẻ.


 

Củ cải hồng phát khắc chữ lộc - Ảnh: Kim Hà.
Củ cải hồng phát khắc chữ lộc - Ảnh: Kim Hà.
Củ cải khắc chữ thọ - Ảnh: Kim Hà.
Củ cải khắc chữ thọ - Ảnh: Kim Hà.




Giai đoạn trồng thử nghiệm ban đầu anh Tú gặp rất nhiều khó khăn. Bởi loại cây này sinh sống ở nơi có khí hậu mát mẻ, còn ở nước ta thì thời tiết khá nóng, lại mưa nhiều. Do đó những ngày đầu, vườn củ cải của anh Tú gần như thiệt hại hoàn toàn. Anh Tú kể: “Lúc đầu ươm giống, cây bị yếu dễ gãy, còn lớn được một chút bị cháy củ, rộp da hoặc có khi không phát triển củ, rồi bị sâu ăn lá, thối củ, thán thư,... bị nhiều thứ lắm. Nhưng trong quá trình làm đi từ thất bại này đến thất bại khác, từ từ rút kinh nghiệm, phải chăm sóc thật cẩn thận, kĩ lưỡng từng giai đoạn thì càng ngày củ càng đẹp”.

 

 



Sau 2 tháng kể từ ngày xuống giống, anh Tú đã cho ra đời những chiếc củ cải màu đỏ, da nhẵn bóng, lá xanh mướt rất đẹp. Đi tiên phong trong việc tạo ra loại kiểng mới, mà lại làm kiểng từ một loại củ được dùng làm thức ăn nên anh Tú gặp phải rất nhiều lời gièm pha từ những người xung quanh cho rằng “Tết ai mà chơi củ cải”.

 

Để nâng cao giá trị tăng cho những chiếc củ cải, anh Tú đã khắc chữ lên thân để củ được nổi bật và thu hút hơn - Ảnh: Kim Hà.
Để nâng cao giá trị tăng cho những chiếc củ cải, anh Tú đã khắc chữ lên thân để củ được nổi bật và thu hút hơn - Ảnh: Kim Hà.




Bỏ ngoài tai, anh quyết tâm khẳng định tên tuổi cho cây kiểng mới. Từ ý nghĩ đó, chàng trai xứ dừa đã đặt cho những chiếc củ cải của mình cái tên vô cùng ý nghĩa là “Củ cải hồng phát”. “Từ củ cải đọc chạy thành “của cải”, Tết mà chưng củ cải thì rước của cải về nhà. Còn màu đỏ thì đem lại sự may mắn, màu xanh thì hi vọng. Khắc thêm chữ lên thân củ để tăng thêm ý nghĩa đem lại những tài – lộc – phát cho gia chủ trong năm mới” – anh Tú giải thích.

Ngoài cái tên, anh Tú còn tạo dáng củ cải hồng phát theo kiểu đứng, nằm, cao, thấp và lên chậu sứ để tạo sự bắt mắt cho loại kiểng lạ này. Bên cạnh đó, anh còn khắc lên thân củ những chữ như: Phúc, lộc, thọ, tài, phát,... để tăng thêm phần ý nghĩa cho việc chưng cúng trong những ngày Tết.


 

Những chậu củ cải bóng loáng chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết 2019 - Ảnh: Kim Hà.
Những chậu củ cải bóng loáng chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết 2019 - Ảnh: Kim Hà.




Trong năm 2019, chàng nông dân 8X này sẽ cho ra thị trưởng khoảng 1.200 củ cải hồng phát đã được vào chậu thành phẩm với giá bán từ 200 – 300 ngàn đồng/củ tùy kích cỡ lớn nhỏ. Hiện số củ cải trong vườn của anh Tú đã được đặt hàng với số lượng khủng và dự kiến sẽ cháy hàng trong vài ngày tới.

Kim Hà (TPO)

Có thể bạn quan tâm