Giáo dục

Tuyển sinh

Cửa liên thông đại học sắp 'thông'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Với những quy định rõ ràng, chi tiết được thể hiện trong dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, hứa hẹn con đường liên thông sắp tới sẽ không còn nhiều điểm 'tắc' như thời gian qua.

Nhiều năm qua, các quy định về liên thông từ trình độ trung cấp, CĐ lên trình độ ĐH, quy định về đối tượng tuyển sinh trình độ ĐH đều đã được thể hiện trong các quyết định của Chính phủ, thông tư của Bộ GD-ĐT…

Đó là Quyết định phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân năm 2016; Quyết định quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ CĐ với trình độ ĐH năm 2017. Các thông tư, quyết định của Bộ GD-ĐT gồm Thông tư quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH năm 2012, Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non từ năm 2017 đến 2024, Quyết định phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Sắp tới, người có bằng trung cấp, CĐ nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT nhiều cơ hội được liên thông lên ĐH
Sắp tới, người có bằng trung cấp, CĐ nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT nhiều cơ hội được liên thông lên ĐH

Tuy nhiên, các quy định trên chưa rõ ràng, chi tiết, cụ thể, dẫn đến việc thực hiện chưa được đồng bộ. Nhiều trường ĐH không chấp nhận liên thông hoặc xét tuyển ĐH đối với người tốt nghiệp THCS có bằng trung cấp, CĐ nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Điều này ảnh hưởng đến công tác phân luồng cũng như tác động ít nhiều đến việc thu hút thí sinh vào học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân để lấy ý kiến đóng góp. Dự thảo này, theo các chuyên gia, đã mở ra một "cánh cửa rộng" và "con đường thông suốt" để người tốt nghiệp trung cấp, CĐ đều có cơ hội tham gia liên thông lên ĐH dù có bằng tốt nghiệp THPT hay không.

QUY ĐỊNH RÕ RÀNG VỀ ĐỐI TƯỢNG VÀ TỶ LỆ MIỄN GIẢM

Dự thảo nghị định nêu rõ người tốt nghiệp trung cấp nếu đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định thì được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ ĐH theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với học sinh (HS) tốt nghiệp THPT.

Người tốt nghiệp trung cấp, nếu đã có bằng tốt nghiệp THPT được dự tuyển vào các chương trình, ngành đào tạo ở trình độ ĐH cùng hoặc khác nhóm ngành nghề theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với HS tốt nghiệp THPT do cơ sở giáo dục ĐH xác định.

Căn cứ quy chế đào tạo của Bộ GD-ĐT, cơ sở giáo dục ĐH quy định chi tiết và thực hiện công nhận kết quả học tập cho người tốt nghiệp trung cấp cùng nhóm ngành nghề, trong đó tỷ lệ khối lượng học tập được miễn giảm ở chương trình đào tạo ĐH không vượt quá 20%. Chỉ riêng các ngành nghề thuộc lĩnh vực sức khỏe có yêu cầu giấy phép hành nghề là không áp dụng miễn giảm khối lượng học tập.

Đối với liên thông từ CĐ lên ĐH, người tốt nghiệp CĐ, nếu chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào học liên thông theo các chương trình, ngành đào tạo thuộc cùng nhóm ngành nghề ở trình độ ĐH theo các phương thức tuyển sinh chung như đối với HS tốt nghiệp THPT.

Người tốt nghiệp CĐ, nếu đã có bằng tốt nghiệp THPT thì được dự tuyển vào học liên thông theo các phương thức tuyển sinh chung hoặc tuyển sinh riêng do cơ sở giáo dục ĐH xác định.

Tỷ lệ khối lượng học tập được miễn giảm khi liên thông từ CĐ lên ĐH không vượt quá 50% đối với người tốt nghiệp CĐ cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp, 25% đối với người tốt nghiệp CĐ cùng nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp.

Tỷ lệ này là 25% đối với người tốt nghiệp CĐ khác nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp và 10% đối với người tốt nghiệp CĐ khác nhóm ngành nghề từ cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tại thời điểm tốt nghiệp.

Cánh cửa liên thông sẽ "thông" đối với người tốt nghiệp THCS đi học nghề
Cánh cửa liên thông sẽ "thông" đối với người tốt nghiệp THCS đi học nghề

TRƯỜNG ĐH SẼ KHÔNG THỂ TỪ CHỐI

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết trước đây nhiều trường ĐH có thể từ chối tiếp nhận đối tượng liên thông là người có bằng trung cấp, CĐ nhưng chưa có bằng THPT. Sau này nếu nghị định trên chính thức được ban hành, tất cả các trường ĐH sẽ phải tiếp nhận vì mọi quy định đều đã rất cụ thể, rõ ràng.

"Thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT mà đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định muốn liên thông lên ĐH sẽ đăng ký dự thi các môn nằm trong tổ hợp của ngành tại trường mà các em muốn liên thông. Chẳng hạn ngành công nghệ thông tin các trường có xét tuyển khối A, thì các em chỉ cần dự thi 3 môn toán, lý, hóa để lấy điểm xét tuyển. Điều này có thể sẽ khó đối với các em, tuy nhiên, từ cái khó đó, các trường trung cấp, CĐ phải chú trọng đào tạo các môn văn hóa chất lượng hơn, đảm bảo các em có đủ kiến thức của các môn đó để tham gia và đạt kết quả tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT", tiến sĩ Trung Nhân nhận định.

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, cũng cho rằng dự thảo nghị định đưa ra cơ chế liên thông rõ ràng với quy định cụ thể giúp HS dễ dàng chuyển tiếp. HS có nhiều cơ hội hơn để nâng cao trình độ học vấn đồng thời khuyến khích HS vừa học văn hóa vừa học nghề, rút ngắn thời gian học tập để sớm tham gia thị trường lao động.

"Lâu nay nhiều phụ huynh và HS vẫn băn khoăn khi đăng ký học nghề vì lo sợ bị "tắc" liên thông lên ĐH do có trường chấp nhận, trường không. Điều đó khiến việc tuyển sinh trung cấp, CĐ ngày càng khó khăn. Nghị định này được ban hành sẽ khiến việc liên thông được "thông", có thể sẽ giúp tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp tốt hơn. Phụ huynh và HS cũng sẽ tin tưởng lựa chọn "đường vòng" là học nghề sau đó liên thông lên ĐH. Việc phân luồng sau THCS cũng sẽ hiệu quả hơn", thạc sĩ Trần Phương cho hay.

Trường nghề phải nâng chất lượng đào tạo

Để người học thuận lợi hơn trong vấn đề liên thông như dự thảo, tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết các trường CĐ, trung cấp sẽ phải hướng tới việc đào tạo chất lượng hơn, cả các môn văn hóa lẫn chương trình nghề.

"Từ nay các em chỉ cần học 4 môn văn hóa và thi đạt yêu cầu chứ không cần học 7 môn chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT nữa. Chính vì vậy, các trường sẽ tập trung đào tạo tốt 4 môn văn hóa sao cho các em có đủ tự tin dự thi để đạt điểm cao. Bên cạnh đó, công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS ngay khi các em vào học cũng phải kỹ lưỡng hơn", tiến sĩ Phúc nhìn nhận.

Để HS liên thông được miễn giảm tối đa, tiến sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP.HCM, cho rằng các trường phải tham gia kiểm định để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. "Các trường CĐ, trung cấp cũng phải xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo sát với chương trình ĐH, đặt tên các môn học tương đồng với các môn ở bậc ĐH để khi trường ĐH xét công nhận sẽ dễ dàng hơn", tiến sĩ Sáng chia sẻ.

Tại Trường Trung cấp Việt Giao, thạc sĩ Trần Phương thông tin trường sẽ thiết kế chương trình đào tạo các môn văn hóa theo hướng tập trung vào các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT, mời giáo viên giỏi, có kinh nghiệm về giảng dạy.

"Bên cạnh đó, các trường cần đạt kiểm định chất lượng đào tạo để chứng minh chất lượng đào tạo, cung cấp thông tin về chất lượng đầu ra của HS, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn của trường ĐH. Ngoài ra, các trường nghề cũng có thể ký kết thỏa thuận hợp tác với trường ĐH về tuyển sinh, đào tạo và chuyển tiếp sinh viên", thạc sĩ Phương nói.

Theo Mỹ Quyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm