Kinh tế

Giá cả thị trường

Cục Chăn nuôi lên tiếng về thịt gà nhập khẩu ồ ạt vào thị trường Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việt Nam đã nhập khẩu 78.376 tấn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm (tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó thịt gà khoảng 44.000 tấn (tăng 36%), nhưng không ảnh hưởng đến giá gia cầm trong nước.
 
Thịt đùi gà nhập khẩu từ Mỹ được bán tái siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) với giá 39.900 đồng/kg. ẢNH PHAN HẬU
Số liệu thống kê từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến ngày 13.4, sản lượng nhập khẩu thực phẩm gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm đã tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái, với sản lượng 78.376 tấn.
Trong đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ (chiếm 65%), Hàn Quốc 14%, Braxin 9,9%, Hà Lan 4,44% và Ba Lan 3,56%.
Theo thống kê từ Bộ NN-PTNT, chăn nuôi gia cầm trong nước đã phát triển bùng nổ từ khi có dịch tả lợn châu Phi do nhiều hộ chăn nuôi lợn chuyển sang nuôi gà.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT khuyến khích đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt sau dịch tả lợn châu Phi.
Cho đến nay, tổng đàn gia cầm cả nước đạt trên 470 triệu con, tăng khoảng 15% so với năm 2019. Mức tăng trưởng kỷ lục về số lượng, kết hợp ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn ra phức tạp từ đầu năm đến nay khiến giá các sản phẩm gia cầm sụt giảm mạnh.
Liên quan đến biến động giá gia cầm trong nước khi nhập khẩu thực phẩm gia cầm về Việt Nam vẫn tăng mạnh trong những tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho biết chỉ riêng thịt gà trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu về 44.000 tấn, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khoảng 60% là sản phẩm thịt đùi gà công nghiệp, được nhập khẩu về với giá 0,9 - 1 USD/kg. Thịt gà nhập khẩu có giá rẻ như vậy là do ở nước ngoài, đây là sản phẩm phụ, không phải là sản phẩm chính (ức gà, lườn gà).
Trong khi đó, người tiêu dùng tại Việt Nam lại thích ăn thịt đùi gà nên các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều. “Nếu so sánh với tổng sản lượng chăn nuôi gia cầm trong nước hiện nay thì sản lượng nhập khẩu là không lớn và thịt nhập khẩu cũng không ảnh hưởng tới giá gà trong nước”, ông Trọng nói.
Cục phó Cục Chăn nuôi lý giải, giá gia cầm trong nước sụt giảm trong thời gian vừa qua là do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Sau khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng từ ngày 23.4, giá gia cầm trong nước đã có dấu hiệu phục hồi, tăng giá.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước có thói quen yêu thích tiêu dùng gia cầm chăn nuôi trong nước, có chất lượng cao. Đây cũng là định hướng của Bộ NN-PTNT trong năm nay đối với các địa phương phát triển mạnh chăn nuôi các giống gia cầm đặc sản nội địa, đặc sản trong nước và duy trì tỉ lệ tăng 11% sản lượng gia cầm, tăng 10% sản lượng trứng trong năm nay.
Phan Hậu (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm