Kinh tế

Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum: Những kết quả ấn tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã nỗ lực triển khai công tác nghiệp vụ thường xuyên, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa và tập trung xây dựng lực lượng. Nhờ đó, năm 2017, đơn vị đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi.

Thu ngân sách vượt chỉ tiêu

Đến hết tháng 12-2017, kim ngạch xuất-nhập khẩu thực hiện qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đạt 381 triệu USD, tổng thu nộp ngân sách trên 485 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu pháp lệnh giao 190 tỷ đồng, tăng 183% so với năm 2016. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

 Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.



Trong năm 2017, tổng số doanh nghiệp làm thủ tục hải quan là 258; tổng số tờ khai làm thủ tục tại đơn vị là gần 3.700 bộ. Trong 6 tháng đầu năm, nhờ UBND 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum cho phép nhập khẩu mặt hàng gỗ qua các cửa khẩu phụ, lối mở; bên cạnh đó, các dự án đầu tư cũng phát sinh nhiều so với cùng kỳ năm 2016 nên hoạt động xuất-nhập khẩu tại đơn vị tăng cả 2 chỉ tiêu là kim ngạch và số thu nộp ngân sách.

Công tác phòng-chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu qua biên giới cũng được đơn vị chú trọng. Năm 2017, đơn vị đã xử lý 112 vụ vi phạm hành chính, phạt tiền hơn 390 triệu đồng. Phát hiện bắt giữ và xử lý theo quy định 14 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với tổng trị giá 270 triệu đồng. Cục cũng phối hợp với Phòng 9 (C47, Bộ Công an) tại Đà Nẵng và Công an huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) bắt giữ 1 vụ buôn bán ma túy.

Riêng  công tác cải cách thủ tục hành chính, đến nay, Cục đã cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 là 168/178 thủ tục hành chính (10 thủ tục không triển khai vì không mang lại hiệu quả cao) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, minh bạch và chuyên nghiệp trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.  Việc triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến năm 2017 góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp có hoạt động xuất-nhập khẩu trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Nỗ lực đổi mới

Chưa bao giờ, công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp lại được chú trọng đến vậy. Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện tốt mục tiêu này, như thành lập tổ triển khai, sắp xếp, bố trí công chức thực hiện các thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, phân công công chức là đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình nộp thuế và thông quan 24/7 được đánh giá là bước đột phá trong công tác thu nộp thuế và thu khác. Đến hết năm 2017, 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3, trong đó 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Cục luôn duy trì ổn định, thông suốt Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, đảm bảo toàn hệ thống mạng, đường truyền và trang thông tin điện tử vận hành ổn định. Phân quyền một số chức năng trên hệ thống ECUS5 cho cán bộ, công chức trong đơn vị để triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Công tác thu thập xử lý thông tin và quản lý rủi ro được Cục quan tâm đúng mức bằng việc xây dựng và cập nhật hồ sơ vào hệ thống đối với các đối tượng có mức độ rủi ro cao trong hoạt động xuất-nhập khẩu để áp dụng trong công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan. Kịp thời cập nhật các thông tin doanh nghiệp do cơ quan thuế cung cấp vào hệ thống Risk Man, cung cấp thông tin về doanh nghiệp còn nợ thuế xuất-nhập khẩu nhưng đã giải thể, phá sản, tạm ngừng hoặc ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh.

 Năm 2018 dự báo vẫn sẽ là một năm nhiều khó khăn trong hoạt động đầu tư thương mại qua biên giới Việt Nam-Campuchia nói chung và qua địa bàn Gia Lai nói riêng. Một số nhà máy chế biến hàng nông sản tại các tỉnh Ratanakiri và Stung Treng của Campuchia đi vào hoạt động sẽ làm giảm lượng hàng nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; hoạt động nhập khẩu gỗ qua các cửa khẩu phụ, lối mở tạm ngừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ Lào tiếp tục cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu cũng sẽ làm giảm lượng hàng nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y... Tất cả sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước. “Tuy vậy, Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ được giao như truyền thống lâu nay của ngành”-Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum Lê Thị Thanh Huyền khẳng định.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm