TN - Đất & Người

Cụm công nghiệp ở Đắk Nông đang thiếu đất để phục vụ doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đang "khát" đất sạch trong cụm công nghiệp. Nhưng ngược lại, cụm công nghiệp nơi đây chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. 
Doanh nghiệp "khát" đất sạch
Công ty TNHH MTV cà phê Hương Quê Đắk Nông, ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil được thành lập vào năm 2018.
Theo ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Hương Quê Đắk Nông thì hiện nay đơn vị đang sản xuất 2 mặt hàng chính là ca cao và cà phê.
 
Hiện nay, Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An đã lấp đầy nhà đầu tư, nên không thể thu hút thêm doanh nghiệp. Ảnh: Phan Tuấn
Hiện nay, Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An đã lấp đầy nhà đầu tư, nên không thể thu hút thêm doanh nghiệp. Ảnh: Phan Tuấn
Để phát triển sản xuất, kinh doanh, công ty đã đầu tư khoảng 2 tỉ đồng để mua sắm các loại máy móc, thiết bị tiên tiến như máy rang, máy tách vỏ, máy nghiền hạt ca cao…
Hiện nay, công ty đã có những bước phát triển mạnh. Đơn cử như sản phẩm ca cao đã đạt chứng nhận OCOP hạng 3 sao vào năm 2021. 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì doanh nghiệp này vẫn đang còn nhiều điều trăn trở. Thực tế cho thấy, dây chuyền sản xuất sản phẩm ca cao có rất nhiều công đoạn. Thế nhưng, diện tích nhà xưởng của công ty khá nhỏ, không thuận lợi cho việc phát triển lâu dài của đơn vị. 
"Hiện nay, công ty đang nhận được nhiều đơn hàng lớn của các đối tác là siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp lại chưa có quỹ đất để mở rộng nhà máy. Trước thực tế này, công ty mong muốn được tạo điều kiện thuê đất trong Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Thuận An để làm nhà xưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh" - ông Qúy cho hay.
Theo ông Trần Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An thì nhu cầu doanh nghiệp đến tìm hiểu, muốn phát triển trong cụm công nghiệp còn khá nhiều.
"Thế nhưng, diện tích đầu tư giai đoạn I hiện đã lấp đầy, nên không thể thu hút thêm doanh nghiệp" - ông Hạnh cho hay.
Cần mở rộng cụm công nghiệp
Trong khi nhiều doanh nghiệp đang "khát" đất sạch trong Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh thì thực tế lại chưa đáp ứng được điều này. 
Cụ thể, Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An được UBND tỉnh Đắk Nông thành lập vào tháng 5.2009. Theo quy hoạch ban đầu Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An có quy mô rộng hơn 52ha. 
Đến thời điểm này, tổng số vốn đầu tư vào hạ tầng Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An là hơn 32 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Đắk Nông, ngân sách huyện Đắk Mil, do đó mới hoàn thành giai đoạn 1 với tổng diện tích hơn 25ha.
Hiện nay, Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An đã có 17 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 300 tỉ đồng. Tỉ lệ lấp đầy dự án lên đến 96%. Như vậy, sức chứa ở đây gần như đã hết, không thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp. 
Diện tích còn lại cho giai đoạn II của Cụm Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An còn khoảng 26-27ha. Đối với phần mặt bằng này hiện có một phần người dân đang sử dụng, phần còn lại là đất của Công ty Cà phê Đức Lập và chưa có quyết định thu hồi.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu tiếp tục triển khai giai đoạn hai ước tính phải đầu tư với tổng nguồn vốn vào khoảng 250 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Mil, hiện nay, huyện đang phối hợp với các ngành chức năng hoàn tất thủ tục nghiệm thu, quyết toán việc đầu tư hạ tầng Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An giai đoạn 1.
Sau khi hoàn thành công đoạn này huyện Đắk Mil sẽ xúc tiến đầu tư, phát triển Cụm Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thuận An giai đoạn 2. Nguồn tiền đầu tư giai đoạn 2 này có thể từ nguồn ngân sách hoặc kêu gọi nhà đầu tư...
Theo Phan Tuấn (LĐO)
https://laodong.vn/bat-dong-san/cum-cong-nghiep-o-dak-nong-dang-thieu-dat-de-phuc-vu-doanh-nghiep-1135451.ldo

Có thể bạn quan tâm