Theo một số chuyên gia, vấn đề cấp bách hơn lúc này là làm sao cung cấp vắc-xin Covid-19 hiện có cho nhiều người hơn.
Một số vắc-xin Covid-19 hiện không chỉ an toàn mà còn cho hiệu quả đến hơn 90% trong việc ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Giờ đây, không ít công ty còn nỗ lực tạo ra các loại vắc-xin Covid-19 thế hệ mới còn tốt hơn thế.
Ông Scot Roberts, giám đốc khoa học của Công ty Công nghệ sinh học Altimmune (trụ sở ở bang Maryland - Mỹ) nhận định rằng thực tế cho thấy vắc-xin thế hệ thứ hai thường được cải thiện hơn nhiều so với thế hệ đầu tiên.
Theo báo USA Today (Mỹ), các vắc-xin thế hệ mới sẽ có hiệu quả hơn đối với những biến thể của virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, một số công ty đang thử nghiệm loại vắc-xin không cần bảo quản lạnh, không đòi hỏi 2 mũi tiêm, có ít tác dụng phụ hơn hoặc không sử dụng kim tiêm, từ đó giúp chúng được phân phối dễ dàng hơn đến các khu vực nông thôn và những quốc gia đang phát triển.
Các công ty đang dẫn đầu cuộc đua vắc-xin Covid-19 hiện tìm hiểu xem liệu có nên tiêm thêm một liều nữa để đối phó tốt hơn các biến thể mới. Riêng Công ty Moderna, nhà sản xuất 1 trong 3 loại vắc-xin đang được phép sử dụng tại Mỹ, sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm cách dự báo các biến thể mới có thể gây rắc rối và bào chế vắc-xin để đối phó chúng.
Bà Melissa J. Moore, Giám đốc khoa học của Moderna, cho biết một số vắc-xin của công ty không chỉ đối phó các biến thể của SARS-CoV-2 mà còn cả một số chủng virus cúm và các virus hô hấp khác.
Công ty công nghệ sinh học Altimmune (Mỹ) đang phát triển loại vắc-xin Covid-19 không sử dụng kim tiêm Ảnh: ALTIMMUNE |
Trong khi đó, Công ty Công nghệ sinh học CureVac (Đức) đang tập trung phát triển vắc-xin Covid-19 thế hệ 2 và hy vọng nó được tung ra thị trường chậm nhất là vào cuối năm nay. Bà Mariola Fotin-Mleczek, Giám đốc công nghệ của CureVac, cho biết so với phiên bản đầu, phiên bản mới này sẽ tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn dù sử dụng ít liều hơn và không bảo quản lạnh như các vắc-xin mRNA khác (các vắc-xin của Mỹ, Anh) nên dễ phân phối hơn. Theo bà Mariola Fotin-Mleczek, vắc-xin mới của công ty sẽ thu hút sự quan tâm của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Đáng chú ý, một số công ty như Altimmune còn tập trung phát triển loại vắc-xin Covid-19 dạng xịt mũi. Những người ủng hộ cho rằng vắc-xin dạng xịt mũi là hợp lý bởi virus SARS-CoV-2 lây truyền qua đường hô hấp và dùng đường mũi có thể tạo ra phản ứng miễn dịch rộng hơn so với tiêm bắp. Ngoài ra, ông Scot Roberts, giám đốc điều hành Công ty Altimmune, diễn giải vắc-xin đường mũi có thể giúp tránh được các tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra khi tiêm vào cánh tay, như sốt, đau nhức cơ.
Theo ông Roberts, vắc-xin của Altimmune phù hợp với những nước không dồi dào về tài chính bởi nó không đòi hỏi bảo quản lạnh trong nhiều tuần nên phân phối dễ dàng. Nếu tiến trình thử nghiệm suôn sẻ, Altimmune dự kiến đệ đơn lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép sử dụng sản phẩm này vào đầu năm tới.
Ông Scott Hensley, chuyên gia tại Trường Y Perelman thuộc Trường ĐH Pennsylvania (Mỹ) nhận định không có gì khó hiểu khi các công ty đầu tư cho nghiên cứu, phát triển vắc-xin Covid-19 thế hệ mới. Dù vậy, theo ông Hensley, vấn đề cấp bách hơn lúc này là làm sao cung cấp vắc-xin hiện có cho nhiều người hơn.
Lời nhắc nhở này được đưa ra giữa lúc nhiều nước đang nóng lòng đợi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện thực hóa kế hoạch chia sẻ hàng triệu liều vắc-xin với thế giới vào cuối tháng 6 như đã công bố. Theo AP, ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng nhưng nhiều khả năng phần lớn số vắc-xin nói trên sẽ được dành cho COVAX Facility (cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu).
Các nước Đông Nam Á quyết liệt chống Covid-19 Hơn 400.000 học sinh từ 12 tuổi trở lên được mời đăng ký tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại Singapore từ ngày 1-6. Với bước đi này, Singapore là một trong những nước đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiến hành tiêm vắc-xin cho thiếu niên trước khi hoàn tất tiêm chủng người trưởng thành. Trước đó, Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) vào đầu tháng rồi đã phê chuẩn việc sử dụng vắc-xin của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) cho người từ 12 đến 15 tuổi. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 31-5 cho biết đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất chứng kiến nhiều trường hợp trẻ em bị mắc Covid-19 hơn và điều này khiến không ít cha mẹ lo lắng. Cũng theo nhà lãnh đạo Singapore, nhóm người trưởng thành từ 39 tuổi trở xuống sẽ bắt đầu được tiêm chủng vào giữa tháng 6. Tại Malaysia, sự gia tăng mạnh của các ca nhiễm Covid-19 mới buộc quốc gia Đông Nam Á này thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 1 đến 14-6. Trong thời gian này, chỉ những lĩnh vực kinh tế và dịch vụ thiết yếu mới được phép hoạt động trong lúc hầu hết trường học đóng cửa. Trong khi đó, chính phủ Thái Lan vào cuối ngày 31-5 đảo ngược quyết định của nhà chức trách Bangkok về việc nới lỏng một số biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19. Trước đó, theo Reuters, Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok thông báo sẽ cho phép tiệm massage, phòng khám và công viên mở cửa trở lại từ ngày 1-6. Bangkok và các tỉnh xung quanh đang là tâm điểm của đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo dài 2 tháng qua. Bất chấp số ca Covid-19 mới tại Philippines đang giảm so với đỉnh dịch hồi tháng 4, Tổng thống Rodrigo Duterte vẫn quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận đến giữa tháng 6. Ngoài ra, nhà lãnh đạo này còn gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với người từ Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Oman, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất cho đến ngày 15-6 để ngăn chặn sự lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Huệ Bình |
Theo HOÀNG PHƯƠNG (NLĐO)