(GLO)- Năm 2012 là năm thứ ba triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị. Cuộc vận động thực sự đã nâng tầm giá trị hàng Việt Nam tại thị trường tiêu thụ trong tỉnh, đóng góp thiết thực vào kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Trên thị trường Gia Lai, hàng Việt chiếm khoảng 62%, tương ứng với số tiền 25.513 tỷ đồng so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, có nhiều tác nhân tạo kết quả khả quan trên, song cơ bản là thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp nâng cao chất lượng hàng Việt, xây dựng cơ chế hỗ trợ hợp lý thúc đẩy hàng Việt chiếm lĩnh thị trường. Đặc biệt là làm chuyển biến tâm lý tiêu dùng của đại bộ phận người dân cũng như nhận thức của doanh nghiệp về trách nhiệm đối với sản phẩm do chính đơn vị mình cung cấp cho người tiêu dùng.
Cụ thể hóa sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, chương trình hành động của UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã hướng dẫn Ủy ban MTTQ các địa phương triển khai có hiệu quả nội dung cuộc vận động theo hướng xác định công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân ưu tiên chọn sử dụng hàng Việt Nam giữ vai trò trọng tâm gắn với triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư”; các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Tổng hợp chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, có đến 90% cán bộ, đảng viên được tuyên truyền, quán triệt sâu sắc những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cuộc vận động; 70% dân số của tỉnh tham gia các buổi tuyên truyền. Báo Gia Lai ngoài việc thông tin các đợt tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn, còn tập trung phản ánh tình trạng hàng “nhái” thương hiệu Việt, thị trường xuất hiện tràn lan hàng Trung Quốc… để cảnh báo các cơ quan chức năng, doanh nghiệp Việt Nam đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, giúp người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa tìm hiểu, quyết định sử dụng hàng Việt.
Qua 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trên địa bàn tỉnh đã có 90 doanh nghiệp tổ chức các hoạt động khuyến mại. Các doanh nghiệp thông báo trên 600 chương trình khuyến mại tặng quà, gửi hàng dùng thử, giảm giá; tổ chức hơn 300 lượt đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, thu hút hơn 100.000 lượt khách hàng tham quan, mua sắm, doanh thu trên 974,7 tỷ đồng. Riêng Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) tổ chức 13 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tổng doanh thu trên 1,7 tỷ đồng. (Nguồn: Ủy ban MTTQ tỉnh) |
Bên cạnh công tác tuyên truyền, chất lượng sản phẩm Việt là yếu tố quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng. Giải quyết khâu mấu chốt này, cơ quan quản lý nhà nước các cấp của tỉnh tích cực tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát thị trường để bình ổn giá; chống bán phá giá và bán hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến thương hiệu Việt. Hỗ trợ các doanh nghiệp điều tra, khảo sát thị trường, nhu cầu người tiêu dùng, mạng lưới phân phối; tổ chức hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa.
Qua đó, các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng bằng việc đổi mới công nghệ; cải tiến mẫu mã; đa dạng chủng loại; sản xuất nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng cao; tiết kiệm phí đầu tư; giảm giá thành sản phẩm; tăng sức cạnh tranh hàng Việt trên thị trường. Đến thời điểm này, hàng Việt không chỉ chiếm tỷ lệ 95% tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại mà đã hiện diện tại các cửa hàng bán lẻ trên toàn tỉnh. Các mặt hàng Việt Nam sản xuất đang được người tiêu dùng thường xuyên sử dụng như phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; hàng may mặc; thiết bị văn phòng; dụng cụ gia đình… Đặc biệt, từ khi triển khai cuộc vận động đến nay, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đều ưu tiên chọn hàng nội địa cho kế hoạch mua sắm tài sản công.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần hình thành văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; cuộc vận động có sức lan tỏa sâu rộng. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thành Nuôi, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo và các thành viên đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, đề xuất và chủ động đưa nội dung cuộc vận động vào chương trình công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị. Duy trì mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của hệ thống chính trị, cơ quan tuyên truyền trong suốt quá trình thực hiện cuộc vận động. Đặc biệt, quá trình triển khai đã xác định được trọng tâm, trọng điểm cuộc vận động.
Quang Văn