Trước đây, Chư Pưh là một trong những địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Đặc biệt, các tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê ga” lợi dụng kêu gọi, kích động người dân tham gia bạo động, bạo loạn gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mô hình "Ánh sáng camera và tiếng kẻng an ninh" tại xã Ia Phang góp phần giữ gìn sự bình yên cho các thôn, làng trên địa bàn. Ảnh: Hà Chi |
Trước thực trạng đó, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, Hội CCB huyện cũng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn. Trong đó, Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp người dân, nhất là người dân tộc thiểu số trên địa bàn nhìn nhận rõ các âm mưu, thủ đoạn chống phá chế độ của các thế lực thù địch.
Đồng thời, triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, thiết thực để người dân hiểu, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, nhất là tổ chức phản động FULRO, “Tin lành Đê ga” gây rối trật tự cũng như giúp những người từng nhẹ dạ cả tin vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan trở về địa phương làm ăn sinh sống.
Điển hình như mô hình 5 không: “Không theo FULRO, không nghe lời kẻ xấu, không tham gia gây rối biểu tình bạo loạn, không tiếp tế cho địch, không vượt biên trái phép”; mô hình 8+1: “8 cán bộ, hội viên cựu chiến binh giúp đỡ 1 đối tượng trở thành người hoàn lương”... Cùng với đó, Hội CCB huyện cũng đã thành lập 45 Tổ hội viên nòng cốt với gần 400 hội viên trung kiên sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao.
Nhờ vậy, trong những năm qua, các cấp Hội trong huyện đã vận động nhiều đối tượng cốt cán FULRO, “Tin lành Đê ga” hoàn lương, phát triển kinh tế. Điển hình như trường hợp Siu Pư ở làng Chư Pố 2 (xã Ia Phang), từng tham gia sinh hoạt tôn giáo trái phép-“Tin lành Đề ga” từ năm 2001 đến năm 2016. Sau khi được Hội CCB tuyên truyền, vận động, Siu Pư đã đoạn tuyệt với “Tin lành Đề ga” và quay trở về hòa nhập với cộng đồng, chuyên tâm làm ăn, phát triển kinh tế.
Đời sống kinh tế của gia đình ông Siu Pư (bên phải) ngày càng ổn định từ khi đoạn tuyệt với "Tin lành Đề ga". Ảnh: Hà Chi |
Bên cạnh đó, nhờ được hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, đời sống gia đình ông Pư đã dần ổn định. Với 800 trụ hồ tiêu và hơn 1 ha cà phê trồng xen cây ăn quả kết hợp chăn nuôi bò, mỗi năm sau khi đã trừ chi phí, gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.
“Được chính quyền, nhất là Hội CCB huyện, xã tuyên truyền, vận động thì mình đã hiểu và nhận ra cái sai khi theo “Tin lành Đề ga”. Từ đó, mình đã đoạn tuyệt với “Tin lành Đề ga” và không nghe theo lời xúi giục của những kẻ phản động nữa. Khi trở về, mình cũng được chính quyền, cộng đồng bao dung, giúp đỡ nên cuộc sống của gia đình đã khá giả, không phải khổ cực như trước đây nữa. Mình cảm ơn Đảng, Nhà nước và Hội CCB các cấp đã giúp đỡ gia đình mình trong thời gian qua, mình hứa sẽ cố gắng làm ăn, không tin và nghe theo lời xúi giục của bọn phản động nữa”-ông Siu Pư trải lòng.
Không chỉ tuyên truyền, vận động dân làng, nhất là những người từng lầm lỡ hòa nhập cộng đồng, chăm lo phát triển kinh tế, cán bộ, hội viên CCB trong huyện còn làm hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn, gây rối trật tự trong cộng đồng.
Đặc biệt, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa và phát hiện, đấu tranh phòng-chống tội phạm trên địa bàn huyện, từng bước xã hội hóa công tác đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở, Hội đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn thành lập các mô hình “ Ánh sáng camera và tiếng kẻng an ninh” ở 47 thôn, làng trên địa bàn. Tổng kinh phí thực hiện hơn 3 tỷ đồng, trong đó, Hội CCB các cấp đóng góp 700 triệu đồng.
Đến nay, toàn huyện có 70/74 thôn làng được lắp điện chiếu sáng và 40/74 thôn làng có lắp camera an ninh. Thông qua mô hình “Ánh sáng camera và tiếng kẻng an ninh” đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao.
Anh Ksor Húi (thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang) cho biết: “Trước đây, thỉnh thoảng xảy ra trộm cắp tài sản của người dân trong thôn, đặc biệt thường xảy ra các vụ tai nạn vào ban đêm do đường chưa có điện chiếu sáng, người dân thiếu ý thức trong tham gia giao thông. Từ khi được Hội CCB huyện, xã triển khai mô hình “Ánh sáng camera và tiếng kẻng an ninh”, đường thôn, làng đã được chiếu sáng vào ban đêm, có camera giám sát 24/24 giờ nên người dân trong thôn đã ý thức hơn, tình trạng trộm cắp, tai nạn giao thông giảm hẳn. Mình cũng như người dân trong thôn rất phấn khởi”.
Theo ông Siu Ninh-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Phang: “Trước đây, tình hình an ninh trật tự ở các thôn, làng trên địa bàn khá phức tạp, đặc biệt vào mùa thu hoạch nông sản thường xảy ra mất cắp. Tuy nhiên, từ khi triển khai mô hình “Ánh sáng camera và tiếng kẻng an ninh”, ý thức của người dân từng bước được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các đối tượng có ý đồ xấu cũng dè chừng hơn, không manh động như trước nữa. Đây thực sự là mô hình có ý nghĩa, góp phần đem lại sự bình yên cho các buôn làng để người dân yên tâm lao động sản xuất”.
Trao đổi với P.V, ông Chu Xuân Toàn-Chủ tịch Hội CCB huyện Chư Pưh-thông tin: Mô hình “Ánh sáng, camera và tiếng kẻng an ninh” đã tạo chuyển biến tích cực, thể hiện qua các vụ vi phạm pháp luật, tai nạn giao thông đã giảm trên 80% so với trước đây. Thời gian tới, Hội tiếp tục huy động các nguồn lực để nhân rộng mô hình “Ánh sáng camera và tiếng kẻng an ninh” trên tất cả các thôn, làng trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong các tầng lớp nhân dân, từng bước giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương”.
Có thể nói, ở thời chiến, họ là những người lính xông pha nơi chiến trường ác liệt, đối mặt với kẻ thù nơi tuyến đầu để bảo vệ Tổ quốc và trong thời bình, những người lính năm xưa tiếp tục cống hiến sức mình để bảo vệ sự bình yên cho các thôn, làng, góp phần xây dựng quê hương Chư Pưh ngày càng giàu đẹp.