Pháp luật

Tin tức

Cựu nữ giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Phòng bị tuyên y án tử hình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 5-4, tại TP Hải Phòng, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên y án tử hình đối với bị cáo Trần Thị Kim Chi, cựu giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Phòng, về tội "Tham ô tài sản" hơn 400 tỉ đồng.

Ngày 5-4, TAND Cấp cao Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án "Tham ô tài sản", xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) chi nhánh Hải Phòng.

 

Quang cảnh phiên tòa.
Quang cảnh phiên tòa.


Các bị cáo trong vụ án gồm Trần Thị Kim Chi, cựu Giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Phòng, Lê Vương Hoàng (kiểm soát viên), Nguyễn Thị Minh Huệ (kế toán) và Chu Văn Nha (thủ quỹ).

Tại tòa, các bị cáo Hòa, Hoàng và Huệ đều thừa nhận hành vi phạm tội và khai thực hiện rút sổ tiết kiệm, nhận tiền gửi, chi lãi ngoài dưới sự chỉ đạo của bị cáo Chi. Qua đó, các bị cáo tham ô hơn 413 tỉ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hòa khai bị cáo Chi sử dụng tiền đã tham ô được để đánh bạc, mua bất động sản và chi tiêu cá nhân, tuy nhiên không có tài liệu chứng minh.

Trong khi đó, bị cáo Chi cho rằng mình không nắm được việc chi lãi ngoài. Việc này diễn ra khi các giao dịch viên của ngân hàng làm việc trực tiếp với khách hàng.

Cựu Giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Phòng liên tục cho rằng đến phiên phúc thẩm, VKS vẫn buộc tội căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác là không khách quan. Nữ bị cáo đề nghị HĐXX làm rõ dòng tiền (hơn 413 tỉ đồng) mà bị cáo bị quy kết tội "Tham ô".

Bị cáo Chi khẳng định tại tòa không dùng tiền của ngân hàng để mua nhà, đánh bạc và chi tiêu cá nhân. Nhà của bị cáo được mua bằng tiền kinh doanh từ công ty của gia đình. Đến nay, bị cáo cũng không biết số tiền mà mình bị quy kết tham ô đang ở đâu. Nhiều tình tiết trong vụ án cũng chưa được cơ quan điều tra làm rõ.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng OceanBank đưa ra quan điểm cho rằng vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; việc chứng minh làm rõ đường đi của dòng tiền mà cựu giám đốc Chi nhánh OceanBank bị cáo buộc chiếm đoạt trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm chưa được làm rõ để làm căn cứ thu hồi số tiền bị chiếm đoạt.

Đặc biệt, trong quyển sổ ghi chép tay được Hoàng lập thể hiện có tới 860 giao dịch liên quan đến các khách hàng trong vụ án này, các bị cáo đã thu tổng cộng được hơn 332 tỉ đồng, chi ra hơn 296 tỉ đồng. Ngoài ra, quyển sổ này cũng thể hiện có đến 1.149 giao dịch liên quan đến đối tượng khác, không phải là các khách hàng trong vụ án này, thu về hơn 227 tỉ đồng và chi ra hơn 280 tỉ đồng. Quyển sổ này đã được giám định nhưng chưa được coi là chứng cứ trong vụ án. Trong đó, nhiều khoản tiền phù hợp với các lời khai chi lãi suất ngoài hệ thống ngân hàng, là bẫy lãi suất cao khiến khách hàng mất cảnh giác, giao dịch không đúng quy định, quy trình, giao dịch có tính chất riêng tư cá nhân với các bị cáo trong vụ án.

Luật sư đại diện cho Ngân hàng OceanBank cũng nêu quan điểm, trong số 79 thẻ tiết kiệm của khách hàng với số tiền tương ứng hơn 242 tỉ đồng cùng gần 2,8 triệu USD khách hàng gửi tiết kiệm, để ngoài hệ thống sổ sách, các bị cáo có dấu hiệu tội lừa đảo khách hàng. Tại giai đoạn điều tra, Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an cũng đã có kết luận, đề nghị VKSND Tối cao truy tố nhóm bị cáo này về tội lừa đảo đối với khoản tiền này. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo đối với các hành vi này về tội tham ô là chưa thỏa đáng …

Từ những phân tích trên, đại diện ngân hàng, luật sư của ngân hàng cũng như luật sư của Trần Thị Kim Chi đều kiến nghị HĐXX phúc thẩm trả hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm để điều tra lại.

HĐXX tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội nhận định, từ năm 2012 đến tháng 8-2019, Trần Thị Kim Chi đã cấu kết, chỉ đạo các nhân viên là kiểm soát viên, kế toán, thủ quỹ thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của người gửi tiền, của ngân hàng tại chi nhánh bằng hình thức sử dụng thông tin cá nhân của người thân, nhân viên chi nhánh, khách hàng lập 109 thẻ tiết kiệm với tổng giá trị hơn 2,5 tỉ đồng (mỗi thẻ tiết kiệm từ 5 – 50 triệu đồng).

Sau khi có được những thẻ tiết kiệm trị giá thấp, những đối tượng này đã thực hiện tất toán, lập khống hồ sơ vay cầm cố thẻ tiết kiệm của khách hàng đã gửi trước đó để mở thẻ tiết kiệm mới. Dùng phôi thẻ tiết kiệm đã mở in nội dung giao dịch tiền gửi cho khách hàng để nhận tiền của khách hàng không đưa vào hệ thống ngân hàng.

 

 4 bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
4 bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm


Theo đó, nhóm này đã lập hồ sơ tất toán khống thẻ tiết kiệm của 14 khách hàng để rút hơn 110 tỉ đồng tiền gửi tại Chi nhánh ngân hàng để Chi quản lý, chi tiêu; nhận 242 tỉ đồng và gần 2,8 triệu USD của các khách hàng nhưng không hạch toán về hệ thống ngân hàng mà giao lại cho cựu Giám đốc Chi nhánh tự chi, tiêu. Để che giấu khách hàng khoản tiền này, nhóm bị cáo lập 79 thẻ tiết kiệm khách hàng để ngoài hệ thống ngân hàng rồi giao lại cho khách hàng thẻ khống.

Theo đánh giá của HĐXX tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội, các bị cáo là cán bộ ngân hàng, có chức vụ, quyền hạn tại ngân hàng, đã dùng thủ đoạn để chiếm đoạt tiền là phạm tội "Tham ô tài sản". Do đó, HĐXX phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo của Ngân hàng OcenanBank, tuyên y án sơ thẩm đối với cựu Giám đốc Ngân hàng OcenanBank chi nhánh Hải Phòng và các đồng phạm về tội tham ô tài sản. Trong đó, bị cáo Trần Thị Kim Chi bị tuyên án tử hình; Lê Vương Hoàng, Nguyễn Thị Minh Huệ bị tuyên án phạt tù chung thân; Chu Văn Nha bị tuyên phạt mức án 20 năm tù cùng về tội tham ô tài sản.

Bản án phúc thẩm cũng tuyên buộc Ngân hàng OceanBank phải bồi thường toàn bộ số tiền gốc và lãi cho 27 khách hàng đã gửi tiền tại Chi nhánh Hải Phòng. Bị cáo Trần Thị Kim Chi phải bồi thường 353,3 tỉ đồng và 2,7 triệu USD cùng số tiền lãi phát sinh cho Ngân hàng OceanBank.

Theo Tr.Đức (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm