Pháp luật

Cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội thừa nhận hành vi môi giới hối lộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại tòa, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nghẹn lời bày tỏ về sự hối hận, đồng thời cho rằng 'chỉ vì xuất phát từ việc thương người quá nên mới môi giới hối lộ'.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 13/7, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu", Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn và đối chất lời khai của nhóm bị cáo nguyên là cán bộ công an bị buộc tội “môi giới hối lộ” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tại tòa, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận hành vi phạm tội “môi giới hối lộ” như nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát đã truy tố.

Hướng dẫn khai báo theo hướng có lợi

Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky trong quá trình xin cấp phép các chuyến bay và cách ly đã đưa hối lộ cho một số cá nhân có thẩm quyền.

Cuối tháng 1/2022, Sơn và Hằng đã bàn bạc, sau đó, Hằng đến nhà Nguyễn Anh Tuấn (khi đó là Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) nhờ Tuấn tìm người giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự vì đã có hành vi đưa hối lộ.

Do có quen biết Hoàng Văn Hưng (khi đó là Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an), Nguyễn Anh Tuấn đã điện thoại hỏi Hưng về việc của Hằng và Sơn trong vụ án. Biết Hưng là điều tra viên thụ lý chính vụ án nên Tuấn đã nhờ và Hưng đồng ý giúp để Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự. Tuấn đã thông báo nội dung này cho Hằng biết.

Tháng 2/2022, Nguyễn Anh Tuấn đã sắp xếp cho Nguyễn Thị Thanh Hằng gặp Hoàng Văn Hưng 3 lần tại nhà Tuấn. Tại các lần gặp này, Nguyễn Thị Thanh Hằng nói với Hưng việc đưa hối lộ để xin cấp phép thực hiện các chuyến bay combo và nhờ Hưng giúp đỡ để Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.

Hưng đã hướng dẫn Hằng và thông qua Hằng hướng dẫn Lê Hồng Sơn cách thức khai báo theo hướng: việc đưa tiền hối lộ để xin cấp phép các chuyến bay và xin chủ trương cách ly chủ yếu do Hằng đại diện thực hiện nên Hằng không thể né tránh trách nhiệm; Sơn mặc dù là Tổng Giám đốc nhưng số lần đưa tiền hối lộ ít hơn, nên có thể làm “bù nhìn.”

Khi làm việc với Cơ quan điều tra, Hằng sẽ nhận hết trách nhiệm về mình, tự thú và thành khẩn khai báo sẽ được hưởng khoan hồng của pháp luật như trường hợp Công ty Nhật Minh.

Đối với Sơn, nếu cơ quan điều tra hỏi thì khai tất cả do Hằng thực hiện, Sơn chỉ phụ trách tiếp khách, không biết việc Hằng đưa tiền cho các bộ, ban, ngành.

Ngoài ra, Hưng còn hướng dẫn Hằng viết bản tường trình về việc đưa hối lộ cho các cá nhân thuộc các bộ, ban, ngành, địa phương, mỗi đơn vị một bản riêng, không ghi ngày tháng, đưa cho Hưng xem trước.

Nguyễn Thị Thanh Hằng đã viết 7 bản tường trình về việc đưa tiền cho các bộ, ban, ngành, địa phương, đưa cho Tuấn để Tuấn đưa cho Hưng.

Hằng cũng đã viết đơn tố cáo đề ngày 8/2/2022, gửi đến Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an trình bày việc đưa tiền cho các cá nhân có thẩm quyền và đề nghị được làm việc với Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an. Trong thời gian này, Hằng đã đưa cho Tuấn 200.000 USD để Tuấn đưa trước cho Hưng.

Từ tháng 3/2022 đến đầu tháng 7/2022, Nguyễn Anh Tuấn tiếp tục sắp xếp cho Nguyễn Thị Thanh Hằng và Hoàng Văn Hưng gặp nhau khoảng 5-6 lần tại nhà Tuấn.

Tại các buổi gặp này, Hưng nói: quan điểm điều tra hiện nay cho rằng Lê Hồng Sơn là Tổng Giám đốc, nắm 70% cổ phần, trong khi Hằng là Phó Tổng Giám đốc, chỉ nắm 30% cổ phần của Công ty Bluesky, nên Sơn là người giữ vai trò quyết định về tài chính, buộc phải biết việc Công ty Bluesky chi phí cho các bộ, ban, ngành để xin cấp phép các chuyến bay và phải chịu trách nhiệm chính như trường hợp của Hoàng Diệu Mơ - Tổng Giám đốc Công ty An Bình.

Hoàng Văn Hưng hỏi Hằng: “có quyết tâm cứu Sơn hay không”? Hằng hiểu đây là gợi ý chi tiền và Hằng đồng ý, nhờ Hưng giúp đỡ.

Hoàng Văn Hưng nói với Hằng nếu quyết tâm cứu Sơn thì phải thực hiện theo hướng dẫn của Hưng là Hằng vẫn nhận hết trách nhiệm, Sơn khai không biết gì; đồng thời Hưng nói với Tuấn và Hằng là Hưng sẽ tác động các cơ quan chức năng ủng hộ việc không xử lý hình sự đối với Sơn.

Trong thời gian này, Nguyễn Thị Thanh Hằng đã 5 lần đưa cho Tuấn tổng số 1.000.000 USD để Tuấn đưa cho Hưng.

Đưa tiền "chạy án" nhưng vẫn bị triệu tập

Từ tháng 8 đến đầu tháng 9/2022, mặc dù đã nhiều lần Hằng đưa tiền cho Tuấn để Tuấn đưa cho Hưng lo "cứu" Sơn, nhưng Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng liên tục bị Cơ quan điều tra triệu tập lấy lời khai về việc đưa tiền cho Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng và Nguyễn Tiến Thân, chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ.

Hằng vẫn khai nhận hết trách nhiệm trong việc đưa hối lộ, Sơn chỉ đi ăn cùng nhưng không biết cụ thể. Tuy nhiên, Sơn lại khai có biết việc Hằng đưa tiền cho cán bộ Văn phòng Chính phủ.

Biết việc này, Hưng đã hướng dẫn Sơn lần sau lên làm việc trình bày lại với Điều tra viên là Sơn chỉ thấy Hằng đưa túi quà cho cán bộ Văn phòng Chính phủ, nhưng không biết cụ thể trong túi quà là gì; yêu cầu Sơn viết bản tường trình với nội dung là Sơn có giới thiệu Hằng đặt vấn đề với cán bộ Văn phòng Chính phủ, có đi ăn cùng để ngoại giao, có nhìn thấy Hằng đưa túi quà cho cán bộ Văn phòng Chính phủ nhưng không biết bên trong là gì.

Khi làm việc với điều tra viên, nếu điều tra viên ghi không đúng nội dung Sơn trình bày thì phải yêu cầu chỉnh sửa lại mới ký biên bản. Trong thời gian này, Hằng đã đưa tiền cho Tuấn 2 lần, tổng số 600.000 USD để Tuấn đưa cho Hưng.

Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sau đó, ngày 16/9/2022, Hoàng Văn Hưng bị điều chuyển công tác sang giữ chức vụ Trưởng phòng Phòng Chính trị, Hậu cần Cục An ninh điều tra Bộ Công an và không còn nhiệm vụ, quyền hạn điều tra vụ án. Tuy nhiên, Hưng vẫn tiếp tục liên lạc, trao đổi với Nguyễn Anh Tuấn, nhiều lần gặp Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà Tuấn để trao đổi một số thông tin liên quan đến Hằng, Sơn, Đồng thời, Hưng đưa ra lý do và cung cấp thông tin sai sự thật về vai trò của Hưng trong việc điều tra giải quyết vụ án để Tuấn và Hằng tin tưởng và đưa tiền theo yêu cầu của Hưng.

Sau khi Hằng đã đưa tiền cho Tuấn để Tuấn đưa cho Hưng "lo giúp" Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự nhưng Sơn vẫn bị khởi tố, bắt giam, ngày 25/12/2022, Sơn đã làm đơn và ngày 26/12/2022, Hằng làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Anh Tuấn gửi Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an.

Viện Kiểm sát xác định Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn đã đưa hối lộ số tiền 2.650.000 USD; Nguyễn Anh Tuấn môi giới hối lộ số tiền 2.650.000 USD (tương đương hơn 61,6 tỷ đồng) và đã nộp 460.000 USD để khắc phục hậu quả vụ án.

Quá trình điều tra, Hoàng Văn Hưng khai có gặp, trao đổi với Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng và hướng dẫn Hằng ra tự thú nhưng không nhận tiền của Hằng hoặc Tuấn. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ vụ án, xác định Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD.

Đối chất nhưng vẫn phủ nhận cáo buộc

Tại tòa, các bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng đều thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng truy tố.

Bị cáo Tuấn khai trong lần cuối cùng chuyển cho Hưng số tiền 450.000 USD, bị cáo Tuấn đã nhờ Trình Văn Huy, lái xe Công an quận Tây Hồ mang đến cho Hưng. Theo lời dặn của Hưng, Tuấn chia tiền làm 2 phần là 350.000 USD và 100.000 USD, bỏ vào trong cặp, để mật khẩu 104 rồi giao cho Huy chuyển tới Hưng.

Trong phần khai báo của mình, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nghẹn lời bày tỏ về sự hối hận đối với sai phạm của bị cáo. Theo bị cáo Tuấn, chỉ vì xuất phát từ việc thương người quá nên mới môi giới hối lộ. Bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng khoan hồng của Nhà nước.

Là một trong ba bị cáo bị cách ly, Hoàng Văn Hưng cho biết chỉ gặp Hằng tại nhà Tuấn đúng 4 lần và hoàn toàn không trao đổi, đề cập nội dung vụ án, cũng không đề cập đến chuyện "chạy án, hay lo lót cho ai."

Bị cáo Hoàng Văn Hưng bác bỏ lời khai của Hằng, Tuấn và khẳng định không nhận tiền. Việc nhận chiếc cặp mã số 104, chứa 450.000 USD do Tuấn chuẩn bị, Hưng khẳng định bên trong là 4 chai rượu, không phải tiền.

Khi nghe bị cáo Tuấn trình bày lại tại tòa về những lần đưa tiền cho Hưng, bị cáo Hưng đều phủ nhận những lời khai này.

Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”

54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố:

21 bị cáo về tội “Nhận hối lộ.”

23 bị cáo về tội “Đưa hối lộ."

4 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

4 bị cáo về tội “Môi giới hối lộ."

1 bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

1 bị cáo về cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ."

Có thể bạn quan tâm