Du lịch

Hành trang lữ hành

Đã có sẵn kịch bản chương trình kích cầu du lịch lần 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn trong đợt dịch lần 2 bùng phát. Bên cạnh tập trung bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, Tổng cục Du lịch cho biết đã có kế hoạch về chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2.

Khách du lịch tại điểm tham quan ở tại chùa Tôn Thạnh, tỉnh Long An trong tour kích cầu du lịch nội địa - Ảnh: N.BÌNH
Khách du lịch tại điểm tham quan ở tại chùa Tôn Thạnh, tỉnh Long An trong tour kích cầu du lịch nội địa - Ảnh: N.BÌNH
Chiều 7-8, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội nghị trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch" tập trung bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch trước tác động của dịch COVID-19 bùng phát lần 2.
Bà Nguyễn thị Ánh Hoa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết 90% doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP.HCM đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, công suất các khách sạn 3-5 sao rất thấp buộc các cơ sở này phải cho người lao động nghỉ việc không lương đến hơn 80%. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn dịch lần 1 vẫn chưa đến được với nhiều doanh nghiệp do cách hiểu từ văn bản đến thực tế.
Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, cho biết đơn vị gặp nhiều khó khăn với các yêu cầu bồi hoàn từ khách hàng, đặc biệt trong lần dịch mới. Đây là câu chuyện mà một mình doanh nghiệp không thể giải quyết được do khi khách mua tour, doanh nghiệp cũng phải ứng một phần tiền với các bên cung ứng dịch vụ như hàng không, nhà hàng, khách sạn...
Tương tự bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho biết tính đến ngày 5-8, đã có 22.302 lượt khách hủy tour tại doanh nghiệp, với doanh thu là 102 tỉ đồng, dự báo doanh thu và lượt khách tiếp tục bị hủy sẽ tăng thêm.
Trong khi đó, để chuẩn bị cho các chuyến đi của du khách, các đơn vị đã đặt dịch vụ với một số đối tác cung ứng dịch vụ. Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng như các đợt dịch bùng phát trong đợt 1 và đợt 2, một số đối tác áp dụng quy định phạt, hủy, một số không.
Các doanh nghiệp lữ hành mong muốn có những chính sách, hỗ trợ cụ thể như giảm thuế VAT, giảm tiền điện, tiền nước, giãn thời gian trả tiền thuê đất, hỗ trợ tài chính cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nhận định: "Các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả, thành công chung của ngành du lịch. Nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành", đại diện Tổng cục Du lịch nói.
"Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch về chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 và đang tiếp tục cùng các địa phương hoàn thiện chương trình này, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi du lịch sau đại dịch", ông Khánh cho biết thêm. 
Hàng trăm ngàn lượt du khách hủy tour
Theo báo cáo của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), số liệu thống kê sơ bộ từ các địa phương, doanh nghiệp cho thấy con số du khách hoãn, hủy tour du lịch đã lên cả trăm ngàn trên cả nước gây thiệt hại rất lớn đối với các đơn vị cung ứng và sử dụng dịch vụ du lịch.
Đáng chú ý, tỉ lệ hủy phòng ở các địa phương sẽ lên hơn 90% trong tháng 8, hiện nhiều trung tâm du lịch lớn của cả nước cũng đã xác nhận tỉ lệ hủy phòng của khách du lịch đã đặt là hơn 80% do tình hình diễn biến bệnh quá phức tạp. Bên cạnh một số khách đồng ý hoãn, điều chỉnh thời gian đi du lịch, nhiều khách hàng khi hủy tour yêu cầu hoàn lại tiền 100%.
N.BÌNH - THIÊN ĐIỂU (TTO)

Có thể bạn quan tâm