TN - Đất & Người

Đà Lạt có nhiều lợi thế để xây dựng công viên khoa học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khái niệm công viên khoa học xuất hiện vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX với tư cách là một tổ chức xã hội và một phương tiện phát triển kinh tế dựa trên cơ sở công nghệ.

Công viên khoa học là một khu vực được xây dựng có mục đích nhằm thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ của công nghệ. Nó thường bao gồm một môi trường giống như khuôn viên trường, nơi đặt các viện nghiên cứu, trường đại học, công ty công nghệ và các doanh nghiệp, các tổ chức khác tham gia nghiên cứu và phát triển khoa học, phát triển kinh tế. Với điều kiện tự nhiên và xã hội hiện nay, Đà Lạt là thành phố có nhiều lợi thế để xây dựng công viên khoa học trên địa bàn.

Đà Lạt có nhiều lợi thế về địa hình, khí hậu để xây dựng công viên khoa học. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Đà Lạt có nhiều lợi thế về địa hình, khí hậu để xây dựng công viên khoa học. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Các nước phát triển tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... những năm cuối của thế kỷ XX không ngừng đầu tư vào công viên khoa học và đặc khu kinh tế. Tùy mục tiêu phát triển kinh tế, các nước sẽ vận hành từng mô hình công viên khoa học khác nhau. Chẳng hạn, Singapore trở thành “Cường quốc nghiên cứu” sau khi tập trung phát triển viện khoa học và kỹ thuật để phục vụ sản xuất trong các lĩnh vực điện tử, kỹ thuật, hóa chất và y sinh, đồng thời tăng cường tài trợ nghiên cứu học thuật và thành lập các công viên khoa học - công nghệ nhằm biến các trường đại học công lập thành các trường đại học nghiên cứu tầm cỡ thế giới. Theo các dự báo phát triển, sự dịch chuyển kinh tế thế giới về châu Á, trong đó Đông Nam Á trở thành “rốn” của trung tâm kinh tế thế giới đang trở thành nguồn động lực cũng như thách thức đối với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam những năm gần đây ở một số tỉnh, thành phố như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đã và đang thúc đẩy xây dựng, phát triển công viên khoa học. Để phát triển kinh tế - xã hội, địa phương cần chú trọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; mà để thúc đẩy sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh kế hoạch xây dựng công viên khoa học công nghệ trong những năm tới. Đó là một logic thực tế đang đặt ra bức thiết cho sự phát triển mô hình công viên khoa học ở Việt Nam.

Hiện nay, Đà Lạt bước vào tuổi 130, với những điều kiện tự nhiên và xã hội vốn có của mình đang chuyển mình phát triển cùng với cả nước. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra thách thức nhất định cho Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung, khi nói đến sự phát triển thường gắn liền với công nghiệp trong thực tiễn phát triển kinh tế hiện đại. Bởi vậy, xây dựng, phát triển công viên khoa học là vấn đề bức thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung trong sự vận động phát triển của cả nước.

TP Đà Lạt nằm ở cao nguyên Lâm Viên, được bác sĩ A.Yersin khám phá trong chuyến thám hiểm nhằm mục đích tìm một địa điểm nghỉ dưỡng cho sĩ quan và binh lính Pháp ở Đông Dương vào năm 1893. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp đã chủ trương xây dựng Đà Lạt thành trung tâm hành chính ở Viễn Đông. Điều này bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên của Đà Lạt.

Về địa hình, độ cao - điều kiện tiên quyết để có được nhiệt độ trung bình, áp suất không khí dễ chịu. Địa hình Đà Lạt có nhiều đồi núi, độ cao trung bình 1.500 m, với núi Lang Biang có độ cao 2.167 m, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ không xuống quá thấp.

Về khí hậu, Đà Lạt có khí hậu ôn đới, hai mùa rõ rệt: mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 5 hàng năm, nhiệt độ trung bình 18oC. Mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11, nhiệt độ trung bình 20oC, buổi chiều trời thường mưa nhưng buổi sáng sớm trời đẹp và mát mẻ. Nhiệt độ trung bình trong năm dao động từ 18-21oC, cao nhất là khoảng 27oC, thấp nhất là khoảng 8oC. Điều này rất thích hợp cho nghỉ dưỡng và du lịch.

Về áp suất không khí, áp suất không khí của Đà Lạt luôn luôn thấp hơn bình thường, trung bình chỉ 644 mm, tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái. “Không khí khô, chứa nhiều khí oxy và hơi nước, làm cho hô hấp dễ dàng, hồng huyết cầu tái sinh nhanh, người ta cảm thấy ăn uống ngon hơn và hoạt động trí óc không mệt mỏi”. Đây là một điều kiện đáng quý, cần thiết cho những hoạt động nghiên cứu khoa học và lao động trí óc.

Về phương diện khí hậu, Đà Lạt là nơi nghỉ dưỡng thích hợp hơn các nơi khác ở Đông Dương và như Eric T. Jennings cũng nói trong phần dẫn nhập sách: Đỉnh cao đế quốc, Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp: “Ngày nay Đà Lạt đã nổi tiếng gần như huyền thoại trên nhiều phương diện: cùng lúc, nó vừa là địa điểm của lãng mạn, giáo dục, đặc quyền, thư nhàn, hành hương, và của khoa học...”. Cũng chính từ điều kiện vốn có của Đà Lạt, sau khi Pháp chính thức rời Việt Nam, từ sau năm 1954, giới trí thức Công giáo miền Nam nhận ra Đà Lạt là một môi trường lý tưởng để phát triển đô thị văn hóa, giáo dục. Những cuộc tập hợp bàn thảo và vận động ráo riết để hiện thực hóa điều này được tiến hành. Đến năm 1956, Đà Lạt ít ra có đến ba ý định thành lập đại học: đại học quốc tế, đại học Công giáo và chi nhánh đại học quốc gia. Điều này được thể hiện trong một văn bản đề ngày 11/9/1956, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục gửi Thị trưởng Đà Lạt khẳng định rằng, Đà Lạt sẽ mở đại học quốc tế, vậy, [chi nhánh] đại học quốc gia tại Đà Lạt cũng cần có một chu vi “càng rộng càng hay để có thể mở mang được nhiều đại học đường và viện nghiên cứu tương lai, cho xứng đáng với sự mong đợi của quốc dân và không thua kém những khu đại học khác” (theo Nguyễn Vĩnh Nguyên, Đà Lạt một thời hương xa).

Điều kiện tự nhiên, cũng như những khảo sát, đánh giá của người Pháp cho thấy Đà Lạt là môi trường không chỉ của nghỉ dưỡng mà còn cả giáo dục và khoa học… Đà Lạt đã trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng ở Việt Nam và thu hút hàng triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Đà Lạt hoàn toàn có thể trở thành làng đại học, thành phố đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học và dĩ nhiên công viên khoa học - sáng tạo.

Xây dựng công viên khoa học là một quá trình phức tạp và đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau. Thậm chí cơ sở ban đầu phải khởi điểm từ những hội thảo khoa học để tìm hiểu và nghiên cứu các mô hình thành công, nghiên cứu điều kiện, định hướng và định hình, xây dựng công viên khoa học-sáng tạo.

Việc xây dựng một công viên khoa học đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian, nguồn lực và ý tưởng sáng tạo. Một công viên khoa học thành công có thể mang lại nhiều lợi ích khoa học, kinh tế, giáo dục, vui chơi và đóng góp cho cộng đồng. Càng đi sâu tìm hiểu, chúng ta càng nhận thấy rằng, đổi mới công nghệ chính là một động lực then chốt, đem lại tăng trưởng kinh tế về lâu dài. Bởi vậy công viên khoa học-sáng tạo phải thực sự gắn với khoa học-công nghệ và đổi mới khoa học - công nghệ. Phát triển công nghệ và phát triển kinh tế-xã hội có mối liên hệ mật thiết với nhau.

Điều kiện của Đà Lạt rất phù hợp cho việc xây dựng một công viên khoa học - sáng tạo hiện đại; và chúng ta cũng nhận thức được rằng, quá trình xây dựng, đổi mới cần phải được hỗ trợ bởi một hệ thống các thiết chế xã hội phức tạp. Hy vọng trong tương lai gần, Đà Lạt sẽ có công viên khoa học theo định hướng xây dựng TP Đà Lạt trở thành thành phố thông minh.

Có thể bạn quan tâm