Nhiều sản phẩm của các đơn vị, cá nhân tham gia đánh giá, công nhận tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) được Hội đồng OCOP Đà Lạt chấm điểm, đề xuất xếp hạng từ 4 - 5 sao và hoàn thiện hồ sơ gửi Hội đồng OCOP cấp tỉnh.
Phát triển sản phẩm lợi thế
Nói về việc thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt cho biết: “Với mục tiêu khuyến khích các tổ chức kinh tế đang sản xuất các sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt như trà atiso, cao atiso, hoa khô, hồng sấy, cà phê… tham gia chương trình OCOP để đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm. Hiện, chúng tôi đã tổ chức đánh giá, chấm điểm 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên (trên 50 điểm) như trà atiso, cao atiso, hồng khô… để tiếp tục tham gia OCOP cấp tỉnh”.
Sản xuất hồng treo gió tại HTX Mai Xuân Long (thôn Đất Làng, xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt). Ảnh: V.L
Theo quyết định số 2301 của UBND tỉnh Lâm Đồng về danh mục các sản phẩm tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 thì TP.Đà Lạt có một số sản phẩm chủ lực đó là cà phê, hồng sấy gió (theo công nghệ Nhật Bản) và trà atiso, cao atiso.
Theo ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng phòng Kinh tế TP.Đà Lạt - địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây atiso, có lợi thế cạnh tranh lớn so với các vùng khác trong cả nước, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Hiện nay, tại Đà Lạt có 33 đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà atiso. Đặc biệt, có sản phẩm trà atiso của 6 công ty đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, nhãn hiệu sản phẩm Cà phê Arabica Cầu Đất được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm cà phê bột và cà phê nhân thuộc loại cà phê chè. Hiện nay, 70% sản lượng cà phê thu hoạch trên địa bàn bán cho các thương lái để bán cho các doanh nghiệp trong tỉnh, 20% được bà con sơ chế tại nhà hoặc bán cho các cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn xã, 10% ký hợp đồng và bán trực tiếp với các doanh nghiệp chuyên chế biến cà phê trong tỉnh Lâm Đồng, một số lượng rất ít là xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mỹ.
Ngoài ra, hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản cũng được địa phương ưu tiên phát triển. Cây hồng được trồng xen với diện tích cây cà phê chè ở xã Xuân Trường, Trạm Hành, Xuân Thọ, phường 10, ước tính 324ha, sản lượng hơn 4.000 tấn tươi (khoảng 10% sản lượng hồng được sấy khô).
Vẫn còn khó khăn
Cũng theo ông Cứ, hiện nay TP.Đà Lạt đang tập trung ưu tiên đầu tư phát triển ba sản phẩm trên để xây dựng trở thành sẩn phẩm đặc trưng, tuy nhiên vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.
Đối với cây atiso, hầu hết giống đều do người dân chủ động lấy giống từ cây mẹ, vì vậy xảy ra tình trạng thoái hóa giống gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Thực tế, diện tích atiso chưa đáp ứng hết nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến. Đặc biệt, một số hộ trồng atiso chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài hạn nên còn phụ thuộc rất lớn vào giá cả thị trường gây rủi ro đáng kể trong quá trình canh tác.
Đối với hồng sấy gió, sản phẩm này đòi hỏi độ ẩm không khí thấp nên quá trình sản xuất gặp nhiều rủi ro, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất hồng nhỏ lẻ, máy móc thiết bị cũng như kỹ thuật không đồng nhất dẫn đến ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm hồng khô Đà Lạt trên thị trường.
Hiện nay, TP. Đà Lạt đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ các giống cà phê catimor có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh để hỗ trợ cho người dân tái canh những diện tích cà phê già cỗi, bị sâu bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ cho nông dân trồng cà phê trên địa bàn.
Văn Long (Dân Việt)
http://danviet.vn/nha-nong/da-lat-hong-treo-gio-tra-atiso-ca-phe-duoc-cham-diem-4-5-sao-1031629.html