TN - Đất & Người

Đà Lạt:Hiệu trưởng vừa bị kỷ luật,người tố cáo có dấu hiệu bị trù dập(?)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bà Lê Thị Tuyết Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) vừa bị kỷ luật do mắc nhiều sai phạm, thì bất ngờ, người đứng đơn tố cáo bị Phòng Nội vụ, công an “sốt sắng” nhảy vào “soi” bằng cấp. Thật trùng hợp và đáng ngờ vì hiệu trưởng báo mất hồ sơ cá nhân của người này khi đang lưu trữ tại trường.
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, sau khi kết luận hàng loạt sai phạm của bà Lê Thị Tuyết Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, UBND TP. Đà Lạt và Đảng uỷ Phường 3 (TP. Đà Lạt) đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật với hình thức Cảnh cáo đối với hiệu trưởng này.
 
Quyết định kỷ luật Cảnh cáo đối với Hiệu trưởng Oanh (Ảnh: VH)
Trong khi người tố cáo và dư luận đang rất thắc mắc và bất bình vì dù bị kỷ luật Cảnh cáo cả về mặt Đảng và chính quyền; thừa nhận “không đủ năng lực quản lý điều hành”; sau khi bị kỷ luật vẫn “nhắm mắt” ký bừa nhiều văn bản, giấy tờ quan trọng; nhưng ngành chức năng TP. Đà Lạt vẫn “ưu ái” để bà Oanh tiếp tục làm hiệu trưởng trường tiểu học lớn nhất thành phố.
Mới đây, bà Đ.T.N, người trước đó đã đứng đơn tố cáo Hiệu trưởng Oanh, bất ngờ bị Phòng Nội vụ TP. Đà Lạt, cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng làm việc, “truy” chuyện bằng cấp.
Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, bà N. cho biết, không hiểu vì lý do gì mà thân chinh Trưởng Phòng Nội vụ thành phố đến trường làm việc với hiệu trưởng, thông qua đó yêu cầu tôi cung cấp văn bằng để kiểm tra.
Tuy nhiên, khi hỏi lý do kiểm tra và vì sao chỉ kiểm tra một mình tôi thì trưởng phòng yêu cầu tôi gặp hiệu trưởng để xem biên bản làm việc. Khi tôi đề nghị hiệu trưởng cho xem biên bản để chấp hành thì lại giấu nhẹm không đưa.
 
Sau khi bị kỷ luật, Hiệu trưởng Oanh tiếp tục "nhắm mắt" ký bừa nhiều giấy tờ, văn bản quan trọng (Ảnh: VH)
Không dừng lại ở đó, ngày 12/3, một nữ cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đến trường làm việc với tôi và yêu cầu cung cấp văn bằng để kiểm tra vì có đơn nặc danh của tập thể giáo viên tố cáo tôi sử dụng bằng giả(?) Tôi đề nghị cán bộ này cung cấp biên bản làm việc nhưng không được đồng ý, nên không ký vào biên bản.
“Tôi đã làm nhân viên thư viện tại trường này từ năm 1986. Đến tháng 6/1992 làm nhân viên thủ quỹ cho đến nay. Năm 2012, ngành chức năng thành phố đã tổ chức kiểm tra văn bằng gốc của tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Năm 2016, khi kiểm định mức độ 1 để công nhận trường chuẩn quốc gia cũng tiếp tục kiểm tra. Thế mà không hiểu sao giờ lại có người "núp bóng" danh nghĩa tập thể giáo viên để tố cáo tôi về chuyện bằng cấp(?)”, bà N. bức xúc.
Có một điều hết sức trùng hợp và đáng ngờ là khi bà N. đề nghị Hiệu trưởng Oanh cho lấy hồ sơ cá nhân, trong đó có lý lịch, bằng cấp công chứng, đang lưu trữ tại Phòng Kiểm định của nhà trường để cung cấp cho ngành chức năng thì bà Oanh cho biết đã bị mất(?)
“Toàn bộ hồ sơ cá nhân, lý lịch, bằng cấp công chứng của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều lưu trữ tại Phòng Kiểm định. Phòng này do hiệu trưởng quản lý, một mình hiệu trưởng có chìa khoá, vậy mà để mất hồ sơ cá nhân của tôi, thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, tại sao lại có sự trùng hợp như vậy, phải chăng đây là một âm mưu muốn dằn mặt, trù dập tôi(?)”, người đã đứng đơn tố cáo vạch trần những sai phạm của Hiệu trưởng Oanh, bức xúc đặt nghi vấn.
 
Hồ sơ cá nhân của người tố cáo lưu trữ tại phòng do Hiệu trưởng Oanh quản lý, bất ngờ bị mất, sau đó là chuyện kiểm tra bằng cấp một cách bất thường (Ảnh: VH)
Bà N. cho biết, đã làm đơn gửi đến các ban ngành của trường, đề nghị làm rõ việc bỗng dưng mất hồ sơ cá nhân của bà một cách đáng ngờ và đề nghị các cấp xem xét trách nhiệm của bà Oanh khi tiếp tục buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém nên tiếp tục mắc nhiều sai phạm.
Từ việc "làm ngơ" kéo dài thời gian để bà Oanh tiếp tục “ngồi nhầm ghế”, đến việc mất hồ sơ cá nhân của người tố cáo một cách đáng ngờ, để rồi “sốt sắng” “truy” chuyện bằng cấp một cách có chủ đích... khiến dư luận không khỏi đặt nghi vấn, có hay không một "kịch bản" để dằn mặt, trù dập người tố cáo(?) Câu trả lời xin dành cho ngành chức năng TP. Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng.
Phóng viên đã có phiếu đăng ký làm việc hợp lệ gửi đến lãnh đạo UBND TP. Đà Lạt và đang đợi bố trí lịch làm việc. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.
Bổ nhiệm Hiệu trưởng Oanh có vấn đề(?)
Theo tài liệu PV Doanh nghiệp Việt Nam thu thập được, việc UBND TP. Đà Lạt điều động và bổ nhiệm bà Oanh ngay từ đầu đã có vấn đề.
Theo đó, từ tờ trình của Phòng Nội vụ TP. Đà Lạt, ngày 20/3/2017, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt ban hành Quyết định số 883/QĐ-UBND điều động và bổ nhiệm bà Lê Thị Tuyết Oanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đà Thành làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, thời gian bổ nhiệm là 05 năm kể từ ngày 1/4/2017.
Điều đáng nói là bà Oanh sinh ngày 19/9/1966, tính đến thời điểm bổ nhiệm đã 51 tuổi, nên việc UBND TP. Đà Lạt bổ nhiệm 5 năm là sai quy định, vì lúc đó bà này đã 56 tuổi – quá tuổi nghỉ hưu đối với nữ 1 năm.
Sau khi có phản ứng từ dư luận, Phòng Nội vụ TP. Đà Lạt phải làm lại tờ trình và ngày 5/4/2017, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt phải ban hành quyết định khác, điều chỉnh lại thời gian bổ nhiệm bà Oanh là: “Cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu”.
Đáng nói hơn, Trường tiểu học Lê Quý Đôn là một trường tiểu học lớn của TP. Đà Lạt với hơn 1.300 học sinh, trong đó có hơn 1.000 học sinh bán trú, trước khi đưa bà Oanh về làm hiệu trưởng, lãnh đạo trường chỉ có 1 Phó hiệu trưởng nhưng chỉ còn 1 năm nữa là nghỉ hưu.
Vì thế, việc đưa 1 người cũng sắp nghỉ hưu như bà Oanh về làm hiệu trưởng trường này, không khỏi khiến dư luận hoài nghi, lo lắng và thực tế là đã để xảy ra hàng loạt sai phạm, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận, gây ảnh hưởng đến tổ chức Đảng và cá nhân.

Viên Hữu (DNVN)

Có thể bạn quan tâm