(GLO)- Do điều kiện tự nhiên phong phú cùng sự sáng tạo của con người, Gia Lai có nhiều loại đặc sản mà không nơi nào có được. Nhiều món ăn nơi đây khiến những ai từng được thưởng thức đều phải nhớ mãi.
Từ món đồng quê dân dã…
Khoảng 30-40 năm trước, Gia Lai chưa có phong trào trồng cà phê hay cao su. Phần lớn cán bộ, viên chức đều tranh thủ ngày nghỉ và thường là trước mùa mưa để gieo trỉa lúa, trồng khoai, trồng mì nhằm giải quyết khâu lương thực vốn thiếu thốn trong đời sống, một phần dành cho chăn nuôi. Hầu như gia đình nào cũng làm 1-2 sào lúa rẫy hoặc mì và trồng rau, khoai lang trên đất vườn, đặc biệt là khoai lang Lệ Cần. Củ khoai Lệ Cần màu đỏ, dài và lớn, ruột có màu vàng nghệ, khi luộc lên rất bở, vàng ươm, ăn vừa ngọt, vừa bùi. Cứ khoảng tháng 5, khi có mưa đầu mùa là nhà nhà vun luống trồng khoai. Chỉ vài tháng sau, vồng lang đã xanh um, có thể hái lá, hái đọt rau luộc ăn. Khoai lang Lệ Cần để càng lâu càng ngọt, vị thanh, ngoài luộc ăn còn có thể chẻ nhỏ phơi khô dành hấp cơm; luộc chín chà qua lưới rồi phơi khô hấp chung với đậu phộng rang hoặc làm bột để ăn dần.
Một loại đặc sản nổi tiếng nữa là cá nhét. Đây là loài cá nhỏ tựa cá linh ở miền Tây Nam Bộ hay như cá trắng, cá mương ở miền Trung. Vào mùa khô, chúng thường bơi thành đàn đông đến hàng vạn con trên nhánh sông Pô Cô, đoạn qua huyện Ia Grai. Sông Pô Cô trước kia chưa có các công trình thủy điện nên dòng chảy rất xiết, nhất là đoạn qua làng Pi, làng Nú ở xã Ia Khai bây giờ. Mùa này, người dân các làng bên sông dựng đăng hoặc thả lưới bắt cá lên rồi phơi khô trên các tảng đá giữa sông. Sau 1-2 nắng, họ trút cá vào các ống nứa giữ nguyên đốt rồi bịt kín đầu ống (sở dĩ có tên cá nhét là vì vậy). Mỗi mùa cá nhét, người dân các làng dọc biên giới thu được hàng vạn ống cá. Những năm ấy, nhiều quán ở đường Trần Phú (TP. Pleiku) có bán các ống cá nhét này cho đồng bào dân tộc thiểu số các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh lên mua. Bấy giờ, hầu như vào nhà nào ở các làng, chúng ta cũng đều thấy các ống lồ ô đựng cá nhét dựng nơi góc bếp. Tháng 6, tháng 7 vào mùa mưa dầm, đi công tác vào làng bước lên một ngôi nhà sàn nào đó, khách chủ quây quần bên bếp lửa ăn cơm với đọt lá mì nấu cà đắng, rắc ít muỗng cá nhét đã chế biến lên trên, vài người mà ăn hết cả nồi cơm to...
Còn nữa những đặc sản dân dã của Gia Lai như gạo Ba Chăm (Mang Yang), chim gầm ghì (Kbang), tép Biển Hồ (Pleiku), chuối Ia Tiêm (Chư Sê)… mà ai đã có dịp thưởng thức thì không thể quên.
Đóng gói sản phẩm thịt bò một nắng Krông Pa (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Đức Thụy |
… Đến đặc sản phố phường
Những năm gần đây, người Gia Lai luôn tự hào khi nhắc đến món phở khô. Đây là loại phở đặc biệt với 2 tô: một tô đựng bánh phở và một tô đựng nước dùng, thịt bò tái, bò viên… và đĩa rau húng quế, ngò gai, kèm với các loại gia vị như tương ớt, xì dầu, chanh, tỏi ngâm… Khi ăn, tô bánh phở có thêm thịt băm, hành phi, thịt gà (nếu là phở khô gà) vừa dai dai, mềm mềm, chốc chốc lại đưa muỗng sang múc tô nước dùng ngòn ngọt, beo béo mang đến hương vị mới lạ, hấp dẫn cho thực khách.
Rồi đến một “món độc” nữa là thịt bò một nắng và muối kiến Krông Pa. Đây là món ăn đã và đang “làm mưa làm gió” trên thị trường ẩm thực nhiều địa phương trong cả nước. Có lẽ nhờ khí hậu vùng “chảo lửa” Krông Pa nên thịt bò ở đây mềm và thơm sau khi đã sơ chế ướp tẩm gia vị rồi phơi qua một nắng. Còn muối kiến được chế biến từ con kiến vàng, một loại kiến chân cao, thân hình màu vàng, thường làm tổ trên cây rừng. Bắt nguyên cả tổ lấy kiến và trứng kiến mang về rang khô, cho thêm ớt, bột ngọt, muối vào giã nhỏ. Muối kiến Krông Pa ăn được với nhiều loại khác nhưng ngon nhất vẫn là chấm với thịt bò một nắng!
Món ngon của Gia Lai đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Thế nhưng việc bảo vệ thương hiệu cũng đang là vấn đề thách thức. Bởi lẽ, không riêng gì phở hai tô hay thịt bò một nắng mà ngay cả những sản vật khác của Gia Lai cũng cần được bảo vệ để trong quá trình quảng bá ra thương trường không bị pha trộn, nhái sản phẩm làm giảm đi chất lượng, uy tín của thương hiệu.
THANH PHONG