Kinh tế

Giá cả thị trường

Đặc sản bánh tráng được "xuất ngoại" làm quà có gì đặc biệt?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bánh tráng Túy Loan (Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) có mùi vị thơm ngon, nếu đã một lần thưởng thức loại bánh tráng nướng này thì khó có thể quên hương vị đặc trưng riêng của nó. Đặc biệt, vào những những ngày lễ, Tết nhiều người lại tìm về Túy Loan đặt mua bánh tráng về ăn và làm quà cho người thân khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí gửi ra nước ngoài.
“Giữ lửa” làng nghề truyền thống
Theo các cao niên, làng Túy Loan thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng nổi tiếng với nghề làm bánh tráng và mì Quảng. Đây là một làng cổ nổi tiếng nhất của thành phố Đà Nẵng có tuổi đời lên tới 500 năm tuổi. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi làng vẫn giữ được vẻ đẹp chân quê với nghề bánh tráng truyền thống từ bao đời nay.
 
Bà Đặng Thị Túy Phong với nửa đời người gắn bó với nghề tráng bánh tráng ở Túy Loan.
Bà Nguyễn Thị Vân – Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, nghề làm bánh tráng (chủ yếu là bánh tráng nướng) Túy Loan có truyền thống lâu đời, nhưng phải đến đầu thế kỷ XX “thương hiệu” bánh tráng Túy Loan mới được nhiều người nhắc đến. Bánh tráng ở đây luôn là món không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi dịp nhà có cúng giỗ. Phong tục truyền đời sang đời khác, người dân làng Túy Loan đặt cúng bánh tráng để tưởng nhớ và trân trọng nghề truyền thống của làng.
 
Sấy trên lò than củi sẽ giúp cho bánh tráng khi nướng có mùi đặc trưng và giữ được lâu hơn, không bị mốc.
Đến thăm cơ sở sản xuất bánh tráng của bà Đặng Thị Túy Phong (81 tuổi) ở thôn Túy Loan Đông – một trong những hộ làm bánh tráng lâu năm nơi đây, bà Phong cho biết, để làm nên chiếc bánh tráng phải trải qua nhiều công đoạn quan trọng. Trong đó, nguyên liệu làm bánh tráng phải là gạo xiệc-loại gạo quê chính gốc xứ Quảng. Cứ 1 ang gạo sau khi xay với nước rồi pha thêm khoảng 12 lon mè trắng bóc vỏ, 1kg đường bát, nước mắm, gừng, tỏi mỗi thứ khoảng 0,5-1 kg. “Việc ước lượng nước khi xay bột cũng đòi hỏi độ chính xác cao. Đặc biệt, công thức và cách thức hòa các nguyên liệu cũng là “bí quyết” của từng hộ sản xuất…” – bà Phong chia sẻ.
Theo bà Phong, quy trình tráng, sấy bánh tráng Túy Loan rất công phu, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn. Bánh tráng xong tuyệt đối không được đem hong phơi ngoài nắng như các loại bánh tráng khác mà phải sấy trên lò than củi. Nếu đem phơi nắng, khi nướng bánh sẽ không xốp, phồng, ăn mất ngon. Hơn nữa, việc sấy trên lò than củi sẽ giúp bánh giữ được lâu hơn, không bị mốc. Người sấy và gỡ bánh phải canh chừng lửa lò than, không để già lửa sẽ cháy bánh, hoặc sấy không đúng độ lửa bánh bị chai. Chỉ cần bọc lại trong một lớp giấy, gói kỹ trong bao ni-lông rồi bỏ vào tủ lạnh, có thể giữ bánh nhiều tháng…
 
Những chiếc bánh tráng được làm theo phương thức thủ công khá công phu.
“Hiện toàn xã có hơn 30 hộ tham gia sản xuất bánh tráng, trong đó có 10 hộ sản xuất với quy mô lớn, tiêu biểu phải kể đến hộ bà Nguyễn Đặng Thái Hòa, Đặng Thị Tùng, Đặng Thị Túy Phong... Trung bình mỗi năm làng nghề bánh tráng Túy Loan bán ra thị trường khoảng 40.000 cái, bánh tráng Túy Loan thường bán chạy nhất vào dịp Tết, nhiều năm cháy hàng…”. – Bà Vân cho hay.
Đặc sản “xuất ngoại” làm quà
Theo bà Phong, với giá 15.000 đồng/cái, mỗi tháng cơ sở của tôi xuất bán đi khoảng 800 cái bánh. Chủ yếu là mọi người tìm đến mua, một số bà con Việt kiều, đặc biệt bà con Hòa Vang định cư ở Mỹ, mỗi lần về thăm quê hương trước khi sang thường đặt làm bánh tráng để mang sang làm quà. Bây giờ tôi làm, sau này con tôi làm, cứ thế mà gìn giữ thương hiệu bánh tráng Túy Loan.
 
Trong thời gian tới, bánh tráng Túy Loan sẽ được đầu tư và phát triển mạnh thành sản phẩm OCOP.
Tráng bánh là nghề cha truyền con nối từ bao đời nay ở làng Túy Loan. Để giữ thương hiệu và phát triển làng nghề này, thời gian qua, chính quyền địa phương và ngành chức năng TP.Đà Nẵng quan tâm hỗ trợ vốn, kinh phí sửa chữa nhà, trang bị mái che, máy xay bột, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm… giúp bà con quảng bá thương hiệu.
Năm 2015, UBND xã Hòa Phong xây dựng và được phê duyệt đề án “Phát triển làng nghề bánh tráng Túy Loan”. Theo đó, gia đình bà Phong được Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng đầu tư, hỗ trợ máy xay bột, máy hút chân không, bao bì mẫu mã, mái che... với tổng trị giá 30 triệu đồng.
Hi vọng, một ngày không xa, các hộ làm bánh tráng như bà Phong, bà Tùng… hay những hộ gia đình làm bánh tráng tại làng Túy Loan vẫn mãi “đỏ lửa” theo thời gian. Bánh tráng Túy Loan sẽ mang thương hiệu nổi tiếng và nhiều du khách ghé thăm để hiểu hơn về nơi sản xuất và cách thức sản xuất thứ bánh tráng đặc sản có bề dày truyền thống này. 
“Bánh tráng Túy Loan đã tham gia mô hình OCOP của huyện Hòa Vang. Trong thời gian tới, địa phương sẽ đầu tư và phát triển mạnh thương hiệu bánh tráng Túy Loan lên một tầm cao mới…”. Bà Nguyễn Thị Vân – Chủ tịch UBND xã Hòa Phong nhấn mạnh.
Diệu Bình-Trần Hậu (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm