(GLO)- Mọc nhiều ở những vùng đồi núi thuộc vành đai phía Đông Bắc thị xã An Khê, lá chè dung (thường được người dân nơi đây gọi là chè dum) cho hương vị đậm đà, ngọt thanh, nước ánh vàng hơn các vùng khác. Không chỉ làm thức uống giải nhiệt hàng ngày, chè dum còn có công dụng chữa một số bệnh nên được người dân vùng Tây Sơn Thượng đạo xem như một đặc sản.
ĐẶC SẢN NÚI RỪNG
Sinh ra và lớn lên tại thôn Thượng An 2 (xã Song An, thị xã An Khê), từ nhỏ, bà Trần Thị Kim Liên đã thấy ba mẹ hái lá dum hãm nước uống. Đến nay, ở tuổi gần 90, bà vẫn giữ thói quen uống chè dum mỗi ngày. Bà Liên cho hay: Ngoài giải nhiệt, chè dum còn có công dụng chữa viêm dạ dày, giúp ăn ngon miệng, tăng cường tiêu hóa.
Gia đình ông Nguyễn Thanh Phùng (xã Cửu An, thị xã An Khê) thu gom lá chè dum khô để giao cho khách. Ảnh: N.M |
Lấy trong hộc bàn gói lá dum, bà Liên nói bà thích uống loại chè khô hơn vì sau khi pha cho mùi thơm thoang thoảng, vị ngọt thanh, đặc biệt nước có màu vàng chanh rất bắt mắt; chè tươi thì màu vàng sậm, uống có vị chát nhẹ, ngọt hậu. Bà Liên cho hay: “Để có những cốc nước chè vàng óng, ngọn và lá được hái từ trên rừng về, đem chặt thành khúc khoảng 3-5 cm, phơi khi nào lá xanh thẫm chuyển sang màu vàng, cong khô là được. Trước khi hãm trà cần tráng hoặc rửa qua nước nhằm loại bỏ bụi bẩn. Uống nguội hoặc uống nóng đều ngon. Mùa hè, nước chè bỏ trong tủ lạnh, bỏ đá uống rất đã khát; mùa đông thì cho thêm 1-2 lát gừng tươi, nước chè nóng sẽ dậy mùi, uống vào ấm dạ”. Theo các bậc cao niên ở đây, cây dum mọc khá nhiều trên những triền đồi núi. Do mọc hoàn toàn tự nhiên, không chất bảo quản, chất kích thích, thuốc trừ sâu nên chè dum đến nay vẫn là thức uống được nhiều người tin dùng.
Tiếp chúng tôi bằng cốc nước chè dum mát lạnh, ông Nguyễn Minh Cảnh-Trưởng thôn Thượng An 2-cho biết: Từ lâu, chè dum là thức uống truyền thống của người dân vùng đất Thượng An. Cây chè dum ưa mọc ở những nơi đất cằn, nhiều nắng. Chè mọc nhiều ở khu vực từ đầu đèo An Khê đến dãy núi Ông Bình, theo hướng Bắc. Đây cũng là khu vực giáp ranh với huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định). Do mọc trên đất cằn và chịu tác động của cả 2 vùng khí hậu nên cây chè phát triển chậm nhưng khi uống có vị đậm đà, thơm ngon hơn các vùng khác. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người biết công dụng của lá dum đã tìm tới hỏi mua, một số hộ dân trong thôn đã lên rừng thu hái về bán, kiếm thêm thu nhập.
THÊM THU NHẬP, CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG
Cũng như bao người dân thôn Thượng An 2, khi đi làm ruộng rẫy về, anh Nguyễn Thanh Long thường hái nắm lá dum về pha nước uống. Cách đây gần 10 năm, một người bạn ở huyện Kbang ghé thăm nhà được anh Long mời cốc nước chè dum. Sau khi thưởng thức, người bạn đã ngỏ ý nhờ anh Long hái về bán cho mình. Từ đó, anh Long còn hái bán cho nhiều khách hàng ở các huyện Đak Pơ, Kông Chro và TP. Pleiku. Bình quân mỗi năm, anh bán được 700 kg lá khô, với giá 40-50 ngàn đồng/kg, anh Long thu về trên dưới 30 triệu đồng.
Anh Nguyễn Thanh Long (thôn Thượng An 2, xã Song An, thị xã An Khê) thu hái lá chè dum. Ảnh: N.M |
Anh Long kể: Lá dum có quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm khai thác tốt nhất là từ tháng 3 đến tháng 7, khi đó lá không quá già hoặc quá non, lúc uống cho vị đậm đà; đồng thời thuận tiện cho việc khai thác và hong, phơi. Chè dum được nắng khi pha sẽ có mùi thơm, nước vàng óng hấp dẫn. Cũng theo anh Long, cây dum thuộc họ nhà mai, chậm lớn. Những cây trưởng thành cho ngọn lá, thường đạt độ tuổi 5-10 năm trở lên. Khi thu hái chỉ nên bẻ các cành, nhánh dài 20-30 cm. Cây khai thác năm nay thì hơn 1 năm sau mới quay lại thu hoạch tiếp. 100 kg lá tươi sẽ cho ra 60-80 kg lá khô, tùy thời điểm. Lá khô có thể bảo quản 1-2 năm, vì thế trong nhà lúc nào cũng có sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Khoảng 3 năm nay, bên cạnh bán hàng tạp hóa, ông Nguyễn Thanh Phùng (thôn An Bình, xã Cửu An, thị xã An Khê) còn bán lá dum và bỏ mối cho một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị xã. Ông Phùng chia sẻ: “Bán lá dum đem lại nguồn thu nhập thêm cho gia đình tôi trên dưới 20 triệu đồng/năm. Để có nguồn lá bán, thỉnh thoảng tôi và con trai vào rừng thu hái, mỗi ngày có thể hái được cả tạ lá. Tuy nhiên, vài năm gần đây nhu cầu khách hàng tăng lên, nhiều người cùng khai thác nên cây dum ngày một khan hiếm. Trước đây chỉ cần đi 5-7 km, nay phải đi hàng chục cây số đường rừng mới có”.
CẦN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU
Đã 6 năm nay, như thường lệ, sau mỗi cuộc điện thoại gọi đặt lá dum, chị Võ Thị Hoa (thôn Thượng An 2) lại tất bật đóng gói, tùy theo khách đặt mà mỗi gói có trọng lượng 5-10 kg. Trên mỗi gói chè bọc kín, chị Hoa cẩn thận ghi tên, số điện thoại người gửi, người nhận và không quên ghi “chè dum An Khê”, sau đó nhờ các nhà xe giao cho khách hàng. Chị Hoa bộc bạch: “Bình quân mỗi tháng, tôi bán được trên 40 kg lá chè khô. Tôi đang bàn với chồng thời gian tới sẽ đóng gói, in nhãn mác, chào bán sản phẩm ở những thị trường mới để nhiều người biết đến sản phẩm chè dum An Khê”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Lê Tiến-Phó Chủ tịch UBND xã Song An-thông tin: “Cùng với việc khôi phục, phát triển đồi sim thành điểm du lịch, xã đã xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển một số cây thảo dược trên địa bàn xã, trong đó có cây chè dum. Cây này mọc nhiều ở những ngọn đồi, triền núi thuộc khu vực thôn Thượng An 1 và Thượng An 2. Tuy nhiên, để bảo tồn, phát triển cây chè dum thì cần phải có quỹ đất và nguồn vốn đầu tư lớn nhằm hình thành vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu”.
“Trước mắt, xã đẩy mạnh tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, không nên tận diệt, đốn cây khi thu hái. Đồng thời, khuyến khích một số hộ dân trong quá trình bán sản phẩm chè dum nên đóng gói, dán nhãn mác nhằm nâng cao giá trị và quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, khi khu du lịch đồi sim đi vào hoạt động, sản phẩm chè dum sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân”-ông Tiến thông tin thêm.
NGỌC MINH