Chính trị

Tin tức

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Nhiều đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện chương trình làm việc của kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục diễn ra ngày 11-6,  đại biểu Quốc hội tỉnh Ksor H’Bơ Khăp đã có bài phát biểu, nêu rõ những góp ý cũng như kiến nghị, đề xuất với Quốc hội xung quanh nội dung này.

Cụ thể, về vai trò của giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trong việc hình thành nhân cách, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp trích dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định việc hình thành nhân cách con người là do giáo dục mà nên “hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Đồng thời, đại biểu cho rằng: Thực trạng xã hội hiện nay, việc kinh tế-xã hội phát triển, nhưng đạo đức xuống cấp, một phần là do công tác GD-ĐT thực hiện chưa đồng bộ, hiện đang tập trung, chú trọng “đào tạo” mà có phần buông lỏng “giáo dục”.

 

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp phát biểu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: internet

Điều này xuất phát từ cách thức đào tạo chưa phù hợp, tạo ra áp lực “học sớm”, chưa vào lớp 1 đã đọc được bảng cửu chương, nói tiếng Anh; lên cấp II thì giỏi toàn diện, thang điểm tuyệt đối; đến cấp III thì học lịch sử dạng học thuộc mà chưa thẩm thấu các giá trị cống hiến của cha ông đi trước. Về xã hội, trong những năm vừa qua có việc gây rối an ninh trật tự, tôn giáo lạ, thiếu lòng tự tôn dân tộc, sống vị kỷ; nhiều lãnh đạo không dám chịu trách nhiệm trong hoạt động, mà là trách nhiệm của tập thể...

Để giải quyết những vấn đề trên, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đề ra mục tiêu của giáo dục phổ thông tại Điều 27 là “... nhằm phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân”. Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp đồng ý với nội dung này. Theo đại biểu: Nội dung này của dự thảo luật là quan tâm đến giáo dục “trí tuệ”, nhưng đồng thời nâng cao giáo dục về cảm xúc để nhận biết các giá trị khác, khắc phục cách giáo dục hiện nay có thể sẽ đào tạo ra thế hệ “robot vô cảm”. Theo đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước để hoàn thiện dự thảo luật một cách có hiệu quả với mục đích rõ về GD-ĐT.

Đại biểu đánh giá cao việc Đảng và Nhà nước luôn quan tâm thực hiện các chính sách GD-ĐT cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhận thấy, việc thực hiện chính sách đào tạo đối với con, em, cán bộ là người dân tộc thiểu số có nhiều bất cập, như: đầu vào thấp, chương trình, chất lượng không cao; cách thức thực hiện chưa phù hợp, cấp phổ thông các em được đào tạo riêng với nhau việc này hạn chế việc hòa nhập, học hỏi, giao lưu... dẫn đến việc đầu ra chất lượng thấp. Điều này sẽ khó khăn cho việc bố trí công việc của chính quyền địa phương và khó khăn cho người được đào tạo đi xin việc. Đại biểu cho rằng, việc cử tuyển vẫn duy trì, nhưng cần bố trí học sinh cử tuyển học các lớp chính quy để đảm bảo thi đua công bằng để chất lượng đào tạo cao hơn, nhận thức đúng đắn về cuộc sống qua đó tạo ra những “hạt giống đỏ” đảm bảo về chất lượng.

Được biết, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội trong thảo luận tại hội trường sẽ được Quốc hội xem xét tiếp thu đưa vào hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Vũ Định

Có thể bạn quan tâm