Chính trị

Đại đoàn kết là sức mạnh của dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Cách đây 78 năm, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Nam họp tại Pleiku ngày 19-4-1946, Bác Hồ đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Liên quan đến kết quả thực hiện lời dặn của Người và giải pháp để tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

* P.V: 78 năm trôi qua nhưng những lời căn dặn của Bác Hồ trong thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam họp tại Pleiku vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Bà có thể cho biết, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã cụ thể hóa thông điệp đoàn kết mà Bác Hồ đã căn dặn đó như thế nào?

Bà Phạm Thị Lan. Ảnh: P.D

Bà Phạm Thị Lan. Ảnh: P.D

- Bà Phạm Thị Lan: Ngày 19-4-1946, tại Pleiku đã diễn ra Đại hội các DTTS miền Nam với sự tham dự của trên 1.000 đại biểu đại diện cho đồng bào các DTTS Tây Nguyên và miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ. Tại Đại hội, các đại biểu vinh dự đón nhận bức thư của Bác Hồ. Trong thư, Người viết: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”. Những lời căn dặn của Người đã khơi dậy truyền thống yêu nước và phát huy tinh thần đoàn kết của đồng bào các DTTS miền Nam, Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai. Khắc ghi lời dạy của Người, đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, cùng với Nhân dân cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai tiếp tục bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội. Trong quá trình ấy, cả hệ thống chính trị của tỉnh càng thấm thía hơn về lời dạy của Người: “Trước kia chúng ta xa cách nhau, một vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta” và càng thấm thía hơn nữa bài học “bám đất, bám dân, bám cơ sở” để tiếp tục giữ gìn, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và với vai trò, trách nhiệm của mình, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Năm 2005, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum triển khai kế hoạch in thư Bác phục vụ Đại hội Đại đoàn kết các DTTS tỉnh Gia Lai lần thứ I. Thư được in song ngữ (Kinh-Jrai, Kinh-Bahnar) với 2 loại: thư lớn cho các thôn, làng và thư nhỏ cho hộ gia đình. Năm 2006, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện đã trao 106.251 bức thư Bác (80.011 bức thư trao cho hộ Jrai; 26.240 bức thư trao cho hộ Bahnar; 1.375 bức thư trao cho các thôn, làng); đồng thời hướng dẫn các thôn, làng và hộ gia đình treo thư Bác ở vị trí trang nghiêm, thể hiện sự tôn kính. Năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục in 1.256 thư Bác cấp bổ sung cho các hộ DTTS trên địa bàn. Năm 2019, in 100 thư Bác trao cho một số thôn, làng thực hiện di dời chỗ ở theo Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

78 năm qua, thông điệp đoàn kết trong thư Bác Hồ gửi Đại hội các DTTS miền Nam vẫn mãi là tài sản vô giá, là “kim chỉ nam” cho đồng bào các DTTS miền Nam nói chung và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng đoàn kết một lòng theo Đảng và Bác Hồ. Khối đại đoàn kết dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường; các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam tỉnh ngày càng được mở rộng và phát triển.

* P.V: Bà có thể nói rõ hơn về những kết quả nổi bật trong việc phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Bà Phạm Thị Lan: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp thống nhất hành động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào DTTS từng bước được cải thiện. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng khu dân cư văn hóa”, xây dựng gia đình điển hình “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”... ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực ở địa bàn dân cư; qua đó khích lệ người dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, đấu tranh phòng ngừa tệ nạn xã hội, chung tay xây dựng nếp sống văn minh. Các hoạt động vì người nghèo như: Phong trào “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo” tiếp tục được quan tâm triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.

Với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, Mặt trận và các tổ chức thành viên chú trọng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, khẳng định rõ nét vai trò “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân. Các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với thực hiện phong trào “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Trong 20 năm (2003-2023), các địa phương trong tỉnh đã vận động người dân đóng góp trên 133 tỷ đồng để xây dựng 2.696 công trình hạ tầng tại cộng đồng; đóng góp gần 739 tỷ đồng và 147.092 ngày công lao động, hiến hơn 512.710 m2 đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa, trường học góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ 46.150 gia đình khó khăn với tổng số tiền trên 38 tỷ đồng; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 2.649 căn nhà, sửa chữa 1.356 căn nhà với tổng số tiền gần 95 tỷ đồng; xây dựng 387 mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững với 13.387 gia đình tham gia...

Cùng với việc phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã triển khai toàn diện và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Người dân làng Bi Giông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cùng bộ đội di dời nhà sàn về nơi ở mới. Ảnh: P.D

Người dân làng Bi Giông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cùng bộ đội di dời nhà sàn về nơi ở mới. Ảnh: P.D

* P.V: Để tiếp tục khơi dậy, phát huy và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian tới, Mặt trận các cấp trong tỉnh sẽ có những giải pháp gì, thưa bà?

- Bà Phạm Thị Lan: Thời gian đến, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc; về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cán bộ Mặt trận các cấp về củng cố, tăng cường và phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; chủ động nhận diện, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS, các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, tạo đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, đối ngoại của địa phương.

Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội các cấp; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các hội quần chúng với các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Tiếp tục thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có năng lực lãnh đạo, kinh nghiệm, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng, tập hợp đoàn viên, hội viên.

Làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, điển hình; tích cực phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt; tạo cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

* P.V: Xin cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm