Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Đại gia địa ốc rời TP HCM tìm vùng "đất lành" mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyên gia cho rằng xu hướng dịch chuyển từ TP HCM sang đô thị vệ tinh của nhiều chủ đầu tư sẽ tiếp tục trong năm 2021 khi vướng mắc về pháp lý chưa thể được giải quyết triệt để.
Hà Nội, TP HCM và Bình Dương là 3 thị trường được chuyên gia của CBRE Việt Nam lựa chọn để phác thảo thị trường bất động sản Việt Nam. "Nếu TP HCM và Hà Nội từ trước đến nay luôn nằm trong các báo cáo về bất động sản, việc Bình Dương xuất hiện là minh chứng cho sự bùng nổ của các thị trường vùng ven trong năm 2020 và cả tương lai", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở của CBRE, nói vào sáng 18/12.
Vị này nhận định cách đây 4-5 năm, thị trường căn hộ Bình Dương gần như không có nhu cầu. Nhưng những năm gần đây, khu vực này lại rất sôi động với nhiều dự án mọc lên. Việc những thị trường như Bình Dương, Đồng Nai phát triển một phần đến từ việc các chủ đầu tư đang gặp khó trong việc phát triển dự án tại TP HCM do vướng mắc thủ tục pháp lý.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm, TP HCM ghi nhận nguồn cung 9.200 căn hộ và giao dịch thành công 8.900 căn, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ. Trong khi đó, có 8.300 căn hộ được cung cấp mới tại Bình Dương, tăng 144% với hơn 8.000 căn được hấp thụ, tăng tới 276% so với cùng kỳ.
 
Dịch chuyển ra vùng ven để tồn tại
Ông Kiệt cho rằng việc doanh nghiệp bất động sản dịch chuyển từ TP HCM sang các tỉnh, thành khác không phải là xu hướng quá mới. Trước đây, khi thị trường bất động sản TP.HCM phát triển, sự chú ý với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương chưa nhiều.
"Đất lành thì chim đậu. Doanh nghiệp cũng phải chạy đi tìm đất lành, tìm cách để sinh tồn. Ở đâu có quỹ đất, nhu cầu thì doanh nghiệp sẽ đầu tư", chuyên gia bình luận.
Vị này cũng lưu ý nhu cầu nhà ở tại TP HCM luôn ở mức rất cao. Do đó, khi các yếu tố vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắc các doanh nghiệp bất động sản sẽ tự động quay lại phát triển thị trường này.
Tổng giám đốc Phát Đạt Bùi Quang Anh Vũ cho biết việc dịch chuyển các dự án ra đô thị ven TP HCM là chiến lược của doanh nghiệp để tồn tại, thích ứng linh hoạt trong thời kỳ khó khăn. Ông Vũ lấy ví dụ doanh nghiệp của mình đang đầu tư dự án lớn ở Quy Nhơn (Bình Định) vì khu vực này đang phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, kinh tế, du lịch.
CEO Phát Đạt nói thêm với Zing doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Dương, Vũng Tàu trong năm 2021. "Còn tại TP HCM, chúng tôi cũng tạo lập quỹ đất và chắc chắn sẽ quay lại", ông Vũ chia sẻ. Ông này nhấn mạnh doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại TP HCM nên dù đầu tư ở đâu vẫn đóng thuế tại TP HCM, qua đó đóng góp vào ngân sách TP.
Còn ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết doanh nghiệp của mình là một trong những đơn vị đầu tiên bắt mạch đầu tư ở các khu vực ngoài TP.HCM. Ông Nhiên chia sẻ nhờ sự phát triển linh hoạt này, doanh nghiệp năm vừa qua vẫn bán được hơn 10.000 sản phẩm, đồng thời chi hơn 10.000 tỷ đồng để mua lại nhiều dự án.
 
Thị trường căn hộ tại Bình Dương tăng trưởng nhanh trong năm 2020. Ảnh: Quỳnh Danh.
Thị trường căn hộ tại Bình Dương tăng trưởng nhanh trong năm 2020. Ảnh: Quỳnh Danh.
"Bỏ phiếu bằng chân"
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, bày tỏ sự ủng hộ xu hướng dịch chuyển đầu tư đến các tỉnh có điều kiện thuận lợi. Ông này nhấn mạnh doanh nghiệp "nơi nào khó thì đi, nơi nào dễ thì đến. Đó chính là áp lực để chính quyền địa phương có sự thay đổi".
Ông Thành bày tỏ quan điểm cá nhân không kỳ vọng quá nhiều về sự đột phá trong việc các cơ quan chức năng tháo gỡ vướng mắc về pháp lý năm tới. Chuyên gia của ĐH Fulbright đánh giá tâm lý sợ rủi ro của một bộ phận công chức sẽ tiếp diễn, dẫn đến việc chưa thể cải thiện tình trạng chậm ký kết, phê duyệt các dự án mới.
Giám đốc cao cấp của Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương minh chứng một doanh nghiệp mất 2-3 năm từ lúc được chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi được phê duyệt quy hoạch 1/500. Sau đó, việc xác định nghĩa vụ tài chính mất thêm ít nhất 6 tháng trong trường hợp các sở, ngành của địa phương đồng thuận.
Nếu không, thời gian lại càng kéo dài. Ông Khương cho biết nhiều doanh nghiệp muốn đóng tiền sử dụng đất để hoàn thiện pháp lý mà không được. Do đó, các chủ đầu tư phải tìm kiếm những địa điểm "mưa thuận gió hòa" để có thể hoàn tất nhanh nhất thủ tục pháp lý, triển khai dự án, tận dụng cơ hội kinh doanh.
"Ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất với thị trường bất động sản là chính sách, khung pháp lý. Còn các yếu tố khác như lãi suất dù gặp khó, doanh nghiệp cũng sẽ có thể xử lý được", ông Khương bình luận.
Theo Việt Đức (zingnews.vn/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm