TN - Đất & Người

"Đại gia" làng Tờ Số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến làng Tờ Số (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) hỏi gia đình anh Đinh Văn Ring, một người dân chỉ tay về phía ngôi nhà xây có chiếc máy tuốt bắp đậu trước sân kèm theo câu nói: “Đấy, cái nhà to có mái tôn ấy!”. Mặc dù mới bước sang tuổi 37 nhưng những việc làm của anh Ring khiến nhiều người phải ngưỡng mộ.

“Năng nhặt chặt bị”

Năm 1995, anh Ring kết hôn với chị Đinh Thị Hlet với hai bàn tay trắng. Ngày đầu lập nghiệp, cuộc sống của vợ chồng anh rất khó khăn. Nguyên nhân do thiếu vốn cùng với đó là tập quán canh tác lạc hậu nên 1 ha đất chẳng mang lại hiệu quả kinh tế gì đáng kể.

 

 Anh Ring không chỉ giỏi làm giàu mà còn tích cực giúp đỡ người khó khăn. Ảnh: Phương Linh
Anh Ring không chỉ giỏi làm giàu mà còn tích cực giúp đỡ người khó khăn. Ảnh: Phương Linh

Được Nhà nước cho vay 8 triệu đồng, anh Ring dành mua một cặp bò giống sinh sản để làm vốn. Sau vài năm, số bò được nhân lên, vợ chồng anh bán dần lấy tiền đầu tư trồng trọt. Không cam chịu cuộc sống nghèo khổ, anh Ring tích cực tìm hiểu, học hỏi nhiều mô hình trồng trọt, tiếp cận khoa học kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, dạy nghề do Hội Nông dân địa phương tổ chức, dần dần đúc rút ra kinh nghiệm cho mình. Với quyết tâm vượt khó, anh Ring phải “thắt lưng buộc bụng”. Anh nói: “Cứ mỗi năm, dù làm được nhiều hay ít, vợ chồng mình đều phải dành dụm ít nhất 20 triệu đồng để làm vốn”. Nhờ khoản tiết kiệm qua từng năm ấy, cộng với sự giới thiệu của bạn bè, anh Ring đã đầu tư mua một chiếc máy tuốt bắp với giá 95 triệu đồng để phục vụ gia đình và cho mọi người trong làng với giá hữu nghị 140.000 đồng/tấn bắp hạt.

3 năm gần đây, nhờ có sự hướng dẫn của Nhà máy Đường An Khê, anh Ring đầu tư trồng 4 ha mía. Mỗi năm, cây mía cũng đem lại cho gia đình anh thu nhập 120-140 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Từ hai con bò giống ban đầu đến nay anh đã sở hữu gần 20 con. Ngoài ra, anh còn trồng thêm 1 ha bắp lai và 3 sào ruộng lấy gạo ăn cho cả nhà. Nguồn thu nhập ổn định qua hàng năm, cộng thêm sự chi tiêu hợp lý, nên vợ chồng anh đã sắm sửa đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt cho cả gia đình.

Giúp đỡ người làng

Người dân trong làng không chỉ nể phục sự chăm chỉ làm ăn của anh Ring, mà còn quý mến bởi sự nhiệt tình, luôn sẵn lòng giúp đỡ những gia đình khó khăn khác của anh. Từ đàn bò mà anh gầy dựng được qua nhiều năm, anh đã đem cho 3 hộ gia đình khác nuôi rẽ. “Cứ sau 3 năm nuôi rẽ, tôi lấy 1 con, còn người nuôi lấy 2 con. Tôi muốn giúp họ bớt khó khăn”-anh Ring chia sẻ.

Anh Ring cho biết thêm: “Trong làng còn nhiều người khó khăn hơn mình, đặc biệt là đến mùa giáp hạt có nhiều gia đình không còn gạo ăn. Khi ấy, mình lại đem gạo cho họ mượn, đến khi nào có thì trả lại, có gia đình khó quá, mình cho không luôn. Một vài gia đình được mình cho mượn gạo nếu không trả được bằng gạo thì lại đi làm đổi công cho gia đình mình”. Anh cũng luôn sẵn lòng cho mượn vốn không tính lãi để các gia đình đầu tư trồng trọt, chăn nuôi. Ông Đinh Pố-người nhận nuôi bò rẽ cho gia đình anh Ring vui mừng nói: “Gia đình tôi nghèo, không có vốn để làm ăn, được gia đình anh Ring cho nuôi rẽ bò, gia đình tôi đã có con bò để làm giống”. Bên cạnh đó, anh Ring còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.

Với sự nỗ lực của bản thân, gia đình anh Ring nhiều năm liền được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa và là gương sản xuất-kinh doanh giỏi điển hình cấp tỉnh.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm