(GLO)- L.T.S: Nhân Đại hội đại biểu Phật giáo toàn tỉnh lần thứ V (nhiệm kỳ 2017-2022), P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn Hòa thượng THÍCH TÂM TƯỜNG-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Trưởng ban tổ chức Đại hội về một số nội dung liên quan.
Hòa thượng Thích Tâm Tường. Ảnh: T.N |
- P.V: Xin Hòa thượng cho biết về ý nghĩa của kỳ đại hội này?
Hòa thượng THÍCH TÂM TƯỜNG: Đại hội đại biểu Phật giáo toàn tỉnh lần thứ V diễn ra trong bối cảnh nước ta trên đà đổi mới, phát triển và hội nhập toàn diện với thế giới vì sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Chính vận hội này đã tạo cơ duyên cho Phật giáo cả nước nói chung, Phật giáo tỉnh nhà nói riêng ổn định và phát triển bền vững trong lòng dân tộc, để tiếp tục phát huy bề dày lịch sử hơn 2.000 năm Phật giáo Việt Nam luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Đại hội sẽ tổng kết, đánh giá toàn diện thành tựu, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2012-2017, đồng thời đề ra phương hướng hoạt động và suy tôn Ban Chứng minh, suy cử Ban Trị sự nhiệm kỳ 2017-2022.
- P.V: Xin Hòa thượng điểm lại thành quả hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà?
Hòa thượng THÍCH TÂM TƯỜNG: Nhiệm kỳ 2012-2017, các thành viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã nhiệt tình, cùng nhau cố gắng vượt qua khó khăn với tinh thần “Đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội” để đạt được nhiều thành quả trong hoạt động Phật sự. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã thành lập Trường Trung cấp Phật học đào tạo được 2 khóa với khoảng 130 tăng ni sinh đăng ký tu học, trong đó có 70 tăng ni sinh đã tốt nghiệp khóa I. Đến nay, toàn tỉnh có 93 chùa, tịnh thất, tịnh xá, niệm Phật đường với gần 500 vị chức sắc, tăng ni. Về học vị, toàn tỉnh có 5 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, 40 cử nhân, 6 cao đẳng và 28 trung cấp Phật học. Đây là nguồn tăng tài có khả năng kế thế đảm trách công tác của Giáo hội tại địa phương trong thời gian tới.
Mùa an cư kiết hạ tập trung hàng năm có trên dưới 300 vị tăng ni tham gia. Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức Đại giới đàn cam lộ-giác ngộ tại chùa Minh Thành và chùa Bửu Sơn (TP. Pleiku) vào năm 2015, là đại giới đàn truyền giới được đăng cai tổ chức lần thứ hai tại tỉnh ta. Cùng với đó, tịnh xá Ngọc Yên (TP. Pleiku) đã đăng cai khóa tu truyền thống Khất sĩ lần thứ 20, Phật lịch 2560-Dương lịch 2016 và tịnh xá Ngọc Phúc (TP. Pleiku) đăng cai Đại lễ Vu lan báo hiếu và Tự tứ tăng Phật lịch 2561-Dương lịch 2017.
Diện mạo Phật giáo tỉnh nhà từng bước phát triển, nhiều chùa và tịnh xá được nâng cấp, xây dựng với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con phật tử, hòa nhập với đời sống phát triển của xã hội. Đồng thời, công trình thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên được thành lập đang triển khai xây dựng tại huyện Ia Grai, tương lai là trung tâm tổ chức các sự kiện lớn của Phật giáo.
Ảnh: T.N |
Với phương châm “Tốt đời-Đẹp đạo”, đồng bào Phật giáo còn tổ chức viếng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh và trai đàn cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ-một nghĩa cử đẹp và trân trọng quá khứ, hướng về tương lai để góp phần xây dựng quê hương đất nước phồn thịnh, thanh bình. Đồng thời, đồng bào Phật giáo đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội với tổng trị giá 12,3 tỷ đồng. Chùa Bửu Châu (TP. Pleiku) đã duy trì việc nuôi dưỡng hơn 30 trẻ em mồ côi; cơ sở y tế từ thiện Tuệ Tĩnh đường tại chùa Bửu Sơn (TP. Pleiku) đã châm cứu cho hàng ngàn lượt bệnh nhân và phát miễn phí hàng trăm ngàn thang thuốc Nam... Những hoạt động ấy đã phát huy tinh thần từ bi cứu khổ, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội của tỉnh nhà.
- P.V: Trước thềm đại hội, Hòa thượng có thể nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ cần quan tâm trong nhiệm kỳ tới?
Hòa thượng THÍCH TÂM TƯỜNG: Thay mặt Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khóa IV, tôi mong rằng tập thể Ban Trị sự và Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khóa V sẽ phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tiếp tục hướng dẫn toàn thể tăng ni và phật tử thực hiện truyền thống hộ quốc an dân và tinh thần “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Đồng bào Phật giáo tích cực tham gia các phong trào do chính quyền và MTTQ địa phương phát động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường hoạt động từ thiện và an sinh xã hội, duy trì tốt hoạt động của các cơ sở giáo dục Mầm non, từ thiện y học cổ truyền, nuôi dạy trẻ mồ côi.
Trao bằng ghi công. Ảnh: T.N |
Bên cạnh đó, Ban Trị sự và Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh quan tâm đào tạo tăng tài, chú trọng việc rèn luyện giới luật trong hoạt động tu tập của các tăng ni trẻ để trở thành những tu sĩ gương mẫu, đạo hạnh theo tinh thần “Cuộc sống chơn thiện-Dấn thân phục vụ” trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai, góp phần xây dựng và phát triển Giáo hội vững mạnh. Đồng thời, tăng ni và phật tử phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước của Phật giáo Việt Nam, sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật và đường hướng “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” theo Hiến chương của Giáo hội đề ra, góp phần xây dựng môi trường xã hội tốt đẹp trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
- P.V: Xin cảm ơn Hòa thượng!
Thanh Nhật (thực hiện)