Phóng sự - Ký sự

"Đại phẫu" các ban quản lý rừng-Kỳ cuối: Thanh tra, sắp xếp lại hệ thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước những sai phạm ở nhiều Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH), thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh lập kế hoạch thanh tra toàn diện các Ban QLRPH trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đang triển khai đề án sắp xếp lại các Ban QLRPH. Những việc làm này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Thanh tra toàn diện các ban quản lý rừng
Những sai phạm của các Ban QLRPH mà chúng tôi đã phản ánh trong 2 bài viết trước được đưa ra ánh sáng một phần là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành liên quan.
Ông Nguyễn Hồng Lâm-Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Trước khi Thanh tra tỉnh thanh tra và chỉ ra các sai phạm ở các Ban QLRPH Ya Hội, Bắc An Khê, Bắc Biển Hồ, Ia Grai, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiểm tra và phát hiện các sai phạm ở những đơn vị này. Qua kiểm tra, thấy có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, Sở đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra. 
Sau khi Thanh tra tỉnh kết luận các sai phạm ở các Ban QLRPH, nhận thấy có tính chất nghiêm trọng hay dấu hiệu phạm tội, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, trong đó có vụ chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra. Hiện nhiều cán bộ sai phạm đã bị cơ quan Công an khởi tố.
Hy vọng cuộc “đại phẫu” các ban quản lý rừng sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.T
Ông Huỳnh Thành-nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh-đánh giá: Vừa qua, một số vụ việc sai phạm ở các Ban QLRPH được báo chí phản ánh đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Việc lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm đã chứng tỏ tỉnh không bao che cho các cán bộ sai phạm và quyết tâm chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra, việc chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm còn là lời cảnh báo để những Ban QLRPH khác nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục có văn bản giao Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp ở Ban QLRPH Ayun Pa. Việc thanh tra bắt đầu từ tháng 10-2018. Đồng thời, UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2019 trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo đúng quy định. Nội dung, kế hoạch thanh tra năm 2019 tập trung thanh tra toàn diện các Ban QLRPH trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá cao quyết tâm chính trị của lãnh đạo UBND tỉnh, ông Huỳnh Thành cho rằng, kiểm tra, thanh tra là việc làm thường xuyên. Những lĩnh vực lớn, đặc biệt được dư luận quan tâm thì phải làm. Vừa rồi, dư luận quan tâm đến những sai phạm ở các Ban QLRPH nên việc lên kế hoạch tổ chức thanh tra là hợp lý. Mục đích thanh tra không phải “bươi ra” để kỷ luật cán bộ mà có những mục tiêu khác như để chỉ ra những tồn tại, hạn chế hoặc khuyết điểm (nếu có) để qua đó chấn chỉnh, làm tốt hơn. Việc UBND tỉnh yêu cầu thanh tra còn thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc đổi mới, sắp xếp lại các Ban QLRPH nhằm quản lý bảo vệ rừng tốt hơn.
Sắp xếp lại các chủ rừng
Không những chỉ đạo Thanh tra tỉnh lên kế hoạch thanh tra các Ban QLRPH, UBND tỉnh và các ngành liên quan đang gấp rút xây dựng kế hoạch sắp xếp lại các ban quản lý rừng trên địa bàn. Những việc làm này được dư luận đánh giá như là cuộc “đại phẫu” các Ban QLRPH.
Theo ông Nguyễn Hồng Lâm, qua kiểm tra, từ các sai phạm của các Ban QLRPH, nhất là về quản lý bảo vệ rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiến hành làm đề án luân chuyển một số lãnh đạo từ ban này qua ban khác để quản lý chặt chẽ hơn. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao cho Sở xây dựng đề án sắp xếp lại các ban quản lý rừng. Theo đề án, nếu trên một huyện có 2 ban quản lý thì gom lại thành 1 ban. Nếu ban nào có lâm phần nằm manh mún, trải dài qua nhiều huyện thì giải thể để trả về địa phương…
“Sở Nông nghiệp và PTNT vẫn đang tiến hành xây dựng đề án sắp xếp nên chưa thể nói sẽ giải thể hay sáp nhập bao nhiêu ban vì còn liên quan đến nhiều vấn đề, yếu tố… Việc sắp xếp sẽ xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các ban, thu gọn đầu mối, giảm biên chế, tiến tới giảm gánh nặng ngân sách. Sau khi sắp xếp, hy vọng các ban sẽ thực hiện tốt việc quản lý bảo vệ rừng”-ông Lâm nói.
Theo ông Huỳnh Thành, để sắp xếp các Ban QLRPH hiệu quả thì cơ quan tham mưu phải xem xét một cách tổng thể. Ví dụ khi phát hiện ban nào làm chưa tốt thì cần tìm ra nguyên nhân vì sao, có phải do diện tích quản lý lớn, do sự phối hợp giữa ban với chính quyền địa phương chưa tốt hay do chính bản thân người làm nhiệm vụ có vấn đề. Những việc này cần làm công phu chứ không phải làm theo cảm tính. Vì thế, cần tùy địa bàn cụ thể, tùy từng ban để có hình thức sắp xếp phù hợp nhất.
Theo một số lãnh đạo Ban QLRPH trên địa bàn tỉnh, khó khăn lớn nhất của các đơn vị hiện nay là lâm phần quản lý khá lớn, lực lượng lại mỏng (thường 1 cán bộ phải quản lý 1.000 ha rừng hoặc nhiều hơn). Cùng với đó, trang-thiết bị, công cụ hỗ trợ còn thiếu, trong khi các đối tượng lâm tặc thì ngày càng manh động. Cộng với nhận thức của đa phần đồng bào dân tộc thiểu số còn kém nên việc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng gặp nhiều khó khăn. Do đó, đa phần các ban đều rất kỳ vọng trước thông tin tỉnh tiến hành sắp xếp lại và có những chính sách hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý bảo vệ rừng.
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm