Phóng sự - Ký sự

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 9: Chuyện ở sân bay Mường Thanh và hầm Đờ Cát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Như đã đề cập ở các bài trước, ngay từ khi nổ súng, nã pháo vào đồi Him Lam vào ngày 13/3/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta đã lập tức triển khai các biện pháp để vô hiệu hóa sân bay Mường Thanh.

Mất đường tiếp viện duy nhất bằng đường hàng không, các cứ điểm lần lượt thất thủ, tướng Đờ Cát không còn cách nào khác phải tuyên bố đầu hàng…

Cắt đứt yết hầu của địch

Sân bay Mường Thanh được ví như yết hầu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hằng ngày, tại sân bay quân sự này có đến vài chục chuyến máy bay vận tải lớn (máy bay C119) từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng), Gia Lâm (Hà Nội) hạ cánh để tiếp tế quân, lương và vũ khí cho quân viễn chinh Pháp. Nếu cắt đứt được “cầu hàng không”, đường tiếp tế duy nhất này, ta sẽ ép quân Pháp vào tình thế cô lập.

Sân bay Mường Thanh, nay là Cảng hàng không Điện Biên được đầu tư xây dựng.

Sân bay Mường Thanh, nay là Cảng hàng không Điện Biên được đầu tư xây dựng.

Theo các tài liệu được công bố, để đánh sân bay Mường Thanh, Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ của ta đã cử 5 đơn vị là Sư đoàn 312, 308, 316, 304 và 351 cùng tham gia. Trong đó, Sư đoàn 312 là đơn vị chủ công. Ông Phạm Bá Miều (94 tuổi), một cựu chiến binh Điện Biên Phủ am tường về trận địa Điện Biên Phủ, nhiều năm làm công tác tuyên giáo của tỉnh Lai Châu cũ (lúc chưa chia tách thành Điện Biên và Lai Châu) kể: Sân bay Mường Thanh có hình chữ nhật, bộ đội Sư đoàn 312 được giao nhiệm vụ đào hầm giao thông từ phía Tây sang phía Đông Nam, tạo thành một đường chéo cắt sân bay Mường Thanh. Ngoài trục chính từ Tây sang Đông Nam, bộ đội còn đào các hầm, hào theo hình xương cá và đắp các ụ chiến đấu. “Quân địch cũng biết rằng, mất sân bay đồng nghĩa với thất bại cận kề nên đã tập trung hỏa lực đánh phá để giành lại sân bay. Trên bầu trời Mường Thanh những ngày đó không lúc nào ngớt tiếng bom nổ. Ban đêm, pháo sáng như ban ngày”, ông Miều nhớ lại.

Tướng Đờ Cát và các sĩ quan của mình đầu hàng vô điều kiện. Ảnh tư liệu

Tướng Đờ Cát và các sĩ quan của mình đầu hàng vô điều kiện. Ảnh tư liệu

Lúc 10 giờ sáng 22/4/1954, địch đưa 3 xe tăng, 1 xe ủi đất, bộ binh theo sau quyết tâm chiếm lại sân bay Mường Thanh. Trước tình thế đó, bộ đội ta từ các đường trục, đường hầm, ụ nổi xông lên truy kích. Nhận thấy không thể kháng cự trước sức tấn công của quân ta nên địch đã rút khỏi sân bay Mường Thanh. Sư đoàn 312 đã đẩy lùi 2 tiểu đoàn, bắn cháy 1 xe tăng, phá hủy 1 xe ủi đất, bắt sống 62 tù binh và thu giữ nhiều vũ khí của địch.

Từ chiều 22/4, quân đội ta đã làm chủ sân bay Mường Thanh cho đến ngày giải phóng Điện Biên Phủ 7/5/1954. Con đường tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cắt ra làm nhiều mảnh và vô hiệu hóa hoàn toàn.

Chuyện kể trong hầm Đờ Cát

Giới thiệu cho hàng trăm du khách đang nối nhau tham quan hầm Đờ Cát những ngày này, chị Trịnh Thị Hồng Nhung, hướng dẫn viên du lịch Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ nói: Hầm Đờ Cát là tên thường gọi của nhân dân địa phương để chỉ căn hầm làm việc của viên tướng, Tổng chỉ huy của địch tại Điện Biên Phủ - Thiếu tướng Đờ Cát. Căn hầm là công sự kiên cố nhất, được như trái tim của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hầm dài 20m, rộng 8m, được chia thành 4 ngăn, vừa là nơi làm việc, vừa là nơi ăn nghỉ của tướng Đờ Cát và các sỹ quan cấp cao của địch.

Lá cờ Quyết chiến, quyết thắng bay trên nóc hầm Tướng Đờ Cát.

Lá cờ Quyết chiến, quyết thắng bay trên nóc hầm Tướng Đờ Cát.

Bao quanh phía ngoài hầm là hàng rào dây thép gai, mìn cài dày đặc. Hệ thống bảo vệ bằng các hỏa lực mạnh được bố trí ở các boong ke xung quanh. Bốn hướng của căn hầm còn được bố trí 4 chiếc xe tăng thường xuyên túc trực. Phía Tây Nam là trận địa pháo dàn hàng ngang, nhằm bảo vệ cho cơ quan chỉ huy của địch. Đặc biệt, xung quanh cơ quan “đầu não” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ này là 4 cụm cứ điểm được bố trí phòng vệ từ xa.

Chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp (93 tuổi) hiện đang sinh sống tại Điện Biên Phủ kể lại, rạng sáng ngày 7/5, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1. Đến 9 giờ 30 phút cùng ngày, ta hoàn thành nhiệm vụ ở Đồi C2. Khi chiếm được các cao điểm, trung tâm chỉ huy của địch, nơi có hầm Đờ Cát hoàn toàn nằm dưới tầm bắn của ta. “Đó cũng là thời khắc cuối cùng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có mặt trên bản đồ quân sự”, ông Chấp nói.

Các tài liệu lịch sử viết lại, đúng 15 giờ, ngày 7/5/1954, ta mở cuộc tổng tấn công vào “sào huyệt” quan trọng nhất của địch. Lực lượng của ta chia làm các mũi tấn công. Đại đoàn 312 vượt cầu Mường Thanh, đánh từ phía Đông; Đại đoàn 308 mở đường qua sân bay đánh từ phía Tây; một mũi tấn công từ hướng Tây Nam do Đại đoàn 316 đảm nhiệm. Các mũi tấn công như những gọng kìm siết chặt vòng vây, vượt qua những làn đạn yếu ớt của quân thù tiến thẳng vào Sở chỉ huy địch. Tổ xung kích của đồng chí Tạ Quốc Luật (Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) cùng 2 chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh, Bùi Văn Nhỏ xông vào hang ổ cuối cùng của địch. Đồng chí Tạ Quốc Luật hạ lệnh cho địch bằng tiếng Pháp: “Giơ tay lên, hạ vũ khí xuống! Các ông đã bị bắt”. Toàn bộ sĩ quan Pháp giơ tay xin hàng, riêng Đờ Cát cố xé những tài liệu cuối cùng.

Về thời khắc trước khi tướng Đờ Cát đầu hàng quân ta, chị Trịnh Thị Hồng Nhung nói: Trước lúc bị bắt, Đờ Cát đã có cuộc nói chuyện cuối cùng bằng điện thoại với chỉ huy của mình ở Hà Nội, khẳng định “Chúng tôi sẽ không hàng”. Tướng René Cogny (tướng Cô Nhi) đã nói những lời cuối cùng với cấp dưới của mình qua điện thoại: “Tướng quân! Tất cả những gì ông đã làm được đều rất tốt, không được hàng, không được để bị bắt sống, ông phải tự sát... Cả nước Pháp sẽ ghi nhớ công lao của ông”. Ở đầu dây bên này, Đờ Cát dập gót giày đứng nghiêm hứa với Cô Nhi bằng một giọng cảm động, rằng ông ta sẽ tử thủ. Nhưng cái mệnh lệnh đó sẽ không bao giờ được thực hiện, bởi ngay sau đó, trong cuộc nói chuyện với vợ mình, bằng một giọng xúc động, Đờ Cát hứa sẽ về nhà. Để rồi, chưa đầy nửa giờ đồng hồ tiếp theo, người ta nhìn thấy những lá cờ trắng mọc lên khắp nơi; trong đó có hầm Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

70 năm sau ngày chiến thắng, sân bay Mường Thanh xưa kia được xây dựng, phát triển thành Cảng hàng không Điện Biên. Bà Lò Thị Yên, Giám đốc Cảng hàng không Điện Biên cho biết, sân bay Mường Thanh được thực dân Pháp xây dựng từ thập kỷ 40 của thế kỷ trước với mục đích khống chế miền núi Tây Bắc, chi viện cho tuyến phòng thủ biên giới Bắc Đông Dương. Đó là sân bay quân sự, sân bay phục vụ chiến tranh xâm lược. Nay, sân bay phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch cho Điện Biên. Hiện, mỗi ngày, sân bay khai thác từ hai đến ba chuyến trên chặng Hà Nội - Điện Biên và một chuyến chặng TP Hồ Chí Minh - Điện Biên. Hành khách qua cảng hiện đạt gần 1.000 khách/ngày.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm