Chính trị

Tin tức

Đại tướng Tô Lâm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 19-9, tại trụ sở Tỉnh ủy, Đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức hội nghị công bố kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số cơ quan chức năng của tỉnh.

Hội nghị do Đại tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng đoàn kiểm tra số 4 và đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì. Dự hội nghị có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương được kiểm tra và các thành viên Đoàn kiểm tra số 4.

Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Đại tướng Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Những kết quả khả quan

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Trường-Vụ trưởng Vụ Địa phương I (Ban Nội chính Trung ương), Thư ký Đoàn kiểm tra số 4 đã trình bày dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra. Theo đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm phổ biến, quán triệt và ban hành một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác phòng-chống tội phạm, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng. Qua đó, góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành văn bản và thực hiện kế hoạch kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các vụ việc, vụ án phức tạp được dư luận xã hội quan tâm; thực hiện rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế-xã hội tại một số địa phương, đơn vị và lồng ghép nội dung này trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương lớn về công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xử lý nghiêm, bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các hành vi, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc hoặc kéo dài trên địa bàn, tạo tiền đề, kinh nghiệm và hiệu ứng lan tỏa trong công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được quan tâm thực hiện thường xuyên, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, kinh tế sang Cơ quan Điều tra để xử lý theo quy định. Cùng với đó, xử lý nghiêm về mặt Đảng và pháp luật đối với một số trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm. Đồng thời, qua công tác thanh tra đã phát hiện 33 vụ việc có dấu hiệu tội phạm và chuyển sang Cơ quan Điều tra. Công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định. Qua đó, các cơ quan chức năng đã kịp thời điều tra, khởi tố 23 vụ.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và tội phạm. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý các vụ việc, vụ án cụ thể, đảm bảo đúng pháp luật; chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cấp ủy, tổ chức Đảng tham mưu giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong công tác nội chính và phòng-chống tham nhũng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực tiến hành chưa thường xuyên. Cùng với đó, kết quả phát hiện, chuyển giao nguồn tin về tội phạm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp qua công tác kiểm tra, giám sát, tự thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ, qua công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, qua việc thực hiện trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa nhiều.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Theo các thành viên đoàn kiểm tra, sở dĩ còn những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đối tượng tham nhũng, sai phạm về kinh tế, tiêu cực thường là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết và chuyên môn sâu nên thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi, nhất là thủ đoạn đối phó với Cơ quan Điều tra, dẫn đến rất khó phát hiện và thu thập chứng cứ. Cùng với đó, việc kết luận giám định trong một số lĩnh vực, nhất là xây dựng cơ bản, quản lý, bảo vệ rừng đối với một số vụ việc chưa rõ ràng, cụ thể dẫn tới khó khăn trong giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố cũng như công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nêu rõ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp thu các ý kiến của đoàn kiểm tra. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện từng công việc để khắc phục những tồn tại, hạn chế mà đoàn kiểm tra đã nêu. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương được kiểm tra cần phát huy những kết quả đã đạt được; tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Mốc thời gian mà Đoàn kiểm tra số 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tiến hành kiểm tra là từ ngày 1-1-2011 đến 31-12-2021; các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, các trưng cầu giám định, yêu cầu định giá trước ngày 1-1-2011 nhưng chưa được giải quyết xong. Đoàn đã tiến hành kiểm tra tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Thành ủy Pleiku.

Kết luận hội nghị, Đại tướng Tô Lâm đánh giá cao việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, triển khai cũng như tổ chức thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực nói chung; công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực này gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình. Đại tướng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này. Cùng với đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm và tính nêu gương của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đầy đủ các kiến nghị mà đoàn kiểm tra đã nêu. Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh: “Đối với địa bàn tỉnh Gia Lai cần chú trọng hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ rừng, các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công gây bức xúc, dư luận xã hội quan tâm để kịp thời chuyển giao xử lý nghiêm minh các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm”.

VĨNH HOÀNG

 

Có thể bạn quan tâm