Chính vì vậy, lúc sinh thời, Đại tướng đã nhiều lần về thăm. Riêng với Gia Lai, Đại tướng đã có 3 lần đặt chân tới vào các năm 1946, 1978 và 1980.
Về chuyến thăm năm 1946, chính xác hơn thì đấy là chuyến công cán của ông nhằm khảo sát tình hình và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cấp bách chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp. Chi tiết của chuyến đi này chỉ tìm thấy trong cuốn hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng.
Mặc dù chỉ đề cập qua một vài chi tiết ngắn gọn nhưng cũng đủ thấy tầm hiểu biết của ông về lịch sử của vùng đất Gia Lai-Kon Tum.
Bấy giờ cũng như toàn quốc, tại Pleiku, “bộ đội đã sẵn sàng chiến đấu, đóng quân dã chiến ngoài thị xã. Chúng tôi dừng lại Pleiku nói chuyện với đồng bào và bộ đội. Các chiến sĩ đều sôi sục khi nghe kể những gương chiến đấu ở mặt trận và tỏ vẻ nóng lòng chờ đón giờ phút được tiêu diệt quân thù (theo Lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku thì địa điểm nói chuyện là Nhà Gỗ ở góc ngã ba đường Hai Bà Trưng-Hoàng Hoa Thám, nay là trụ sở làm việc của Sở Nội vụ).
Buổi trưa, đoàn đi tiếp lên Kon Tum. Tại đây “đồng bào các dân tộc kéo tới gặp đại biểu Chính phủ ở tòa sứ cũ tại thị xã, cạnh một con suối. Mọi người đều nói đến Bok Hồ và hỏi thăm sức khỏe của Bác”. Nghỉ lại Kon Tum đêm đó, sáng hôm sau đoàn quay lại Pleiku để trở ra Hà Nội…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm xã Gào (TP. Pleiku) năm 1979. Ảnh: Đức Thanh |
Tháng 10-1978, Đại tướng trở lại miền đất khởi đầu cho mùa xuân toàn thắng. Lúc này, lực lượng quân đội đang chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế và đây là mối quan tâm rất lớn của Đại tướng. Sau khi thăm cán bộ, chiến sĩ đang lao động trên công trường thủy lợi Đăk Uy, ông đã về thăm Đoàn Kinh tế Quốc phòng 332 đứng chân trên địa bàn An Khê.
Ông Trương Văn Nhuần-nguyên Cán bộ Tuyên huấn Đoàn Kinh tế Quốc phòng 332-nhớ lại: Bấy giờ, đường 7 nối An Khê với Ka Nak hãy còn là con đường đất mấp mô, tình hình an ninh vẫn còn phức tạp. Từ Tân Tạo, Đại tướng vào Ka Nak bằng chiếc xe U oát của Sư đoàn. Sau khi xem xét nơi ăn ở của bộ đội, ông yêu cầu xuống hiện trường khai thác để kiểm tra công việc.
Đã hơn 40 năm, lời Đại tướng dặn dò vẫn nguyên tính thời sự: “Đây là vùng đất rất quan trọng về cả 2 mặt kinh tế lẫn quốc phòng, không chỉ với địa phương mà còn liên quan đến các tỉnh đồng bằng. Khai thác tài nguyên rừng nhưng không được phá rừng. Nếu chỉ biết khai thác mà không bảo vệ, rừng sẽ trả thù…”.
Mặc dù chỉ hơn 1 ngày nhưng hình ảnh “người anh cả của toàn quân” trong bối cảnh tình hình an ninh còn rất phức tạp, vẫn không quản ngại vượt hàng chục ki lô mét đường đất gập ghềnh trên chiếc xe U oát bình thường; xuống tận hiện trường quan sát công việc, hỏi han từng chiến sĩ, ăn bữa cơm thường nhật với người lính đã gieo vào lòng cán bộ, chiến sĩ đơn vị niềm xúc động dâng trào.
Hiểu tấm lòng Đại tướng, ai cũng tự nhủ sẽ quyết đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ để xứng đáng với niềm tin yêu và lòng mong đợi đó.
Đầu năm 1980, Đại tướng lại có chuyến thăm lại vùng đất Tây Nguyên. Lúc này với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực khoa học-kỹ thuật, Đại tướng đã dành phần lớn thời gian tìm hiểu tình hình phát triển giáo dục, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tại Gia Lai, ông đã tới thăm Trường Thanh niên Dân tộc vừa học, vừa làm Đê Par đóng ở xã Nam (nay là xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang), thăm công trình thủy lợi Biển Hồ, Công ty Dược phẩm tỉnh và xã Gào.
Ông Dương Minh Long, bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND xã Gào nhớ lại: “Sau khi nghe báo cáo tình hình an ninh-chính trị, đời sống của bà con, Đại tướng đã đến thăm một số gia đình cách mạng tiêu biểu. Một khoảnh khắc đã được ghi lại trong bức ảnh chụp Đại tướng đến thăm nhà ông Nit-Bí thư đầu tiên của xã.
Sau đó chúng tôi tổ chức lễ uống rượu cần mừng Đại tướng tại sân trụ sở UBND xã. Bà con ai cũng muốn Đại tướng chung cang nhưng ông chỉ “uống phép” vì không dùng được rượu…”.
Tại xã Gào cũng như những nơi Đại tướng đến thăm, mặc dù thời gian có hạn nhưng những ai có dịp tiếp xúc cũng cảm nhận phong cách giản dị, ân cần của vị “Đại tướng của Nhân dân”.
Ông Phan Sỹ Huynh được Thông tấn xã Việt Nam cử đi phản ánh chuyến thăm của Đại tướng năm 1980. Ông kể: “Khi đến thăm Công ty Dược phẩm tỉnh, theo yêu cầu của Đại tướng, bà Sính-Giám đốc Công ty đã thuyết trình về tình hình phân bổ các vùng dược phẩm tự nhiên. Tôi muốn chụp kiểu ảnh này nhưng lúc ấy bà Sính đứng ở bên trái bản đồ. Cánh tay cầm thước của bà che khuất khiến tôi loay hoay mãi mà không sao bấm máy được.
Thấy vậy, Đại tướng bảo bà hãy đổi chỗ cho ông sang bên phải để tôi tác nghiệp. Đã hơn 40 năm, cử chỉ nhân văn ấy của Đại tướng vẫn sống mãi trong ký ức và đấy cũng là kỷ niệm xúc động nhất trong cuộc đời làm báo của tôi”.