Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Đại úy Vũ Đức Doanh-"Cầu nối" trên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 20 năm gắn bó với biên giới, với tinh thần ham học hỏi, không ngừng nỗ lực, Đại úy Vũ Đức Doanh luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được cấp trên tin tưởng và đồng đội yêu quý. Nhờ khả năng nói thông, viết thạo tiếng Campuchia, anh đã có nhiều đóng góp trong đối ngoại biên phòng và quản lý, bảo vệ biên giới.

“Cầu nối” ngôn ngữ

Không mang chức danh nhân viên phiên dịch nhưng Đại úy Vũ Đức Doanh lại được nhiều người biết đến với vai trò là người phiên dịch-cầu nối ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam-Campuchia trên biên giới.

 

Đại úy Vũ Đức Doanh. Ảnh: A.H
Đại úy Vũ Đức Doanh. Ảnh: A.H

Hoàn thành khóa đào tạo ngắn hạn về tiếng Campuchia tại TP. Hồ Chí Minh, Vũ Đức Doanh được điều động về làm nhân viên phiên dịch tại Phòng Trinh sát Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, rồi Trạm Kiểm soát Cửa khẩu, Đồn Biên phòng Ia O. Đại úy Doanh kể: “Lần đầu nhận nhiệm vụ phiên dịch chính tại cuộc hội đàm giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với lực lượng bảo vệ an ninh biên giới phía đối diện, tôi lo lắng đến mất ăn, mất ngủ vì vốn từ vựng còn hạn chế, hơn nữa, trước nay chỉ phiên dịch cấp trạm, cấp đồn”. Do vậy, khi bước vào cuộc hội đàm, anh đã tập trung cao độ để nghe, để hiểu và có thể dịch đuổi những câu nói dài… Cuối cùng, cuộc hội đàm kết thúc thành công sau vài giờ đồng hồ. Nhưng sau đó, anh hiểu rằng, muốn làm tốt hơn nữa công việc phiên dịch, bản thân phải không ngừng tự học, tự rèn, nhất là rèn khả năng ghi nhớ nhanh và nhớ những câu dài. Vì vậy, anh đã dành thời gian để nghiên cứu thêm sách báo, tài liệu bằng tiếng Campuchia, rồi tự dịch sang tiếng Việt…

Sau 8 năm gắn bó với công tác phiên dịch, năm 2005, Đại úy Doanh được cử đi học 2 năm chuyên ngành trinh sát tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) rồi trở về phụ trách công tác nắm tình hình ngoại biên, xử lý các tình huống xảy ra trên khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Tuy nhiên, trước tình hình an ninh biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, hàng hóa xuất-nhập khẩu và phương tiện qua lại biên giới ngày càng tăng… việc có thể đọc thông, nói thạo tiếng Campuchia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là rất cần thiết. Do vậy, tháng 5-2013, trinh sát viên Vũ Đức Doanh tiếp tục được cử sang Trường Đại học Hoàng gia Phnom Penh (Campuchia) để tiếp tục nâng cao trình độ ngoại ngữ. Anh chia sẻ: “Đây là một năm học vô cùng quý giá. Tôi được học, được nghe, được giao tiếp trực tiếp với những người Campuchia. Hơn thế, tôi có thêm thời gian tìm hiểu các phong tục, tập quán của người dân nước bạn để hỗ trợ thêm cho công việc sau này”.

 

Nhận xét về Đại úy Vũ Đức Doanh, Thượng tá Lê Thuần Chất-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cho rằng: “Đồng chí Doanh là cán bộ biên phòng tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao và thông qua công tác phiên dịch, đồng chí đã làm tốt công tác đối ngoại, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 2 lực lượng bảo vệ biên giới”.

“Trong nhiều năm làm công tác phiên dịch, có lẽ vinh dự nhất với tôi là được tham gia phiên dịch cho lễ khởi công cột mốc 30 và các lần hội đàm giữa các đoàn công tác của tỉnh và Trung ương liên quan đến quá trình xây dựng và khánh thành mốc 30; tham gia bảo vệ, giữ vững an ninh, an toàn cho đội thi công trong suốt quá trình xây dựng mốc và đoạn đường nối Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Quốc tế Lệ thanh-Cửa khẩu Quốc tế Oyadav”-Đại úy Doanh tâm sự.

Góp phần thắt chặt tình đoàn kết-hữu nghị

Trong vai trò trinh sát viên Trạm Kiểm soát Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Đại úy Doanh đã có những đóng góp nhất định trong công tác đối ngoại biên phòng và quản lý, bảo vệ biên giới. Với khả năng nhạy bén trong công việc, anh đã kịp thời phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm quy chế biên giới, vi phạm trong công tác xuất-nhập cảnh, buôn lậu, gian lận thương mại… để tham mưu với Ban Chỉ huy Đồn xử lý tốt các vụ việc liên quan, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn trên khu vực. Bên cạnh đó, Đại úy Doanh còn trực tiếp tham gia dạy tiếng Campuchia cho cán bộ, chiến sĩ Trạm Cửa khẩu để phục vụ tốt cho công tác xuất-nhập cảnh, nắm bắt thông tin liên quan đến an ninh biên giới, đối ngoại biên phòng…

Khi được Ban Chỉ huy Đồn giao nhiệm vụ khảo sát, xây dựng 6 ngôi nhà đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Campuchia cho người nghèo ở địa bàn ngoại biên đối diện, Đại úy Doanh đã chủ động quan hệ với chính quyền xã Sê san (huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri) chọn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa để triển khai xây dựng. Đến nay, 6 ngôi nhà đã được bàn giao trong niềm vui mừng, phấn khởi của người dân phía bên kia biên giới. Mới đây, Đại úy Doanh cũng là “cầu nối” giúp 2 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở phía bên kia biên giới được nhận hỗ trợ hàng tháng từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/em/tháng từ chương trình “Nâng bước em đến trường”. Bằng những việc làm thiết thực, Đại úy Doanh đã góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 tỉnh Gia Lai-Ratanakiri.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm