TN - Đất & Người

Đak Djrăng-Điểm sáng trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thi đua lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên mảnh đất quê hương đã trở thành một phong trào sâu rộng trong đoàn viên thanh niên xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang).

Mô hình kinh tế của anh A Ngưn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Ảnh: T.B
Mô hình kinh tế của anh A Ngưn cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Ảnh: T.B

Anh A Ngưn (SN 1986, dân tộc Bahnar, làng Đê Gơl) là điển hình thanh niên biết phát huy thế mạnh và tiềm năng đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương. Năm 2011, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, với diện tích đất có sẵn, anh đã đầu tư trồng cà phê và cây tiêu. Đây là những loại cây trồng không mới, nhưng với một người trẻ chưa có kinh nghiệm thì cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, anh đã tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các đoàn thể địa phương tổ chức, đồng thời học hỏi kinh nghiệm của những người làm kinh tế giỏi ở trong làng. Hiện tại, anh có hơn 900 cây cà phê, 200 trụ tiêu và 2 con bò. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, anh thu nhập trên 100 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá cao ở địa phương. Khi được hỏi về kinh nghiệm, anh A Ngưn vui vẻ chia sẻ: “Tôi cũng chẳng có kinh nghiệm gì to lớn, chỉ biết lấy sự cần cù bù khả năng, chịu khó học hỏi những người đi trước thì mới thành công. Hiện tôi đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang để ở. thời gian tới, tôi sẽ cố gắng đầu tư, mở rộng thêm diện tích vườn cây”.
 

Bí thư Đoàn xã Đak Djrăng Vi Văn Vinh cho biết: “Thanh niên ở nông thôn thường không có việc làm ổn định. Vì vậy, nếu không thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để ổn định về kinh tế thì rất khó vận động thanh niên vào tổ chức Đoàn. Đoàn xã đã tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, bám sát các chương trình nhiệm vụ của tổ chức Đoàn, tất cả các hoạt động đều xuất phát từ lợi ích của đoàn viên thanh niên nên công tác đoàn đã có nhiều khởi sắc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện hơn nữa để thanh niên phát triển kinh tế, qua đó giúp thanh niên đoàn kết, tích cực tham gia vào tổ chức Đoàn-Hội”.

Vườn cây của anh A Rê (dân tộc Bahnar, làng Đê Gơl) cũng được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương. Nhưng để có được kết quả như hiện nay, anh A Rê đã trải qua không ít khó khăn. Anh A Rê cho biết: “Khi mới lập gia đình, cuộc sống của mình gặp nhiều khó khăn. Đất có sẵn nhưng cằn cỗi, bạc màu, cây trồng cho năng suất thấp, vợ chồng mình phải đi làm thuê suốt mới có đủ tiền chi tiêu và lo cho con cái học tập. Sau khi tham gia tổ chức Đoàn, mình đã được học hỏi và tham quan nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Mình nghĩ, mọi người làm được thì mình cũng làm được. Vì vậy, mình đã bàn với gia đình vay ngân hàng 10 triệu đồng đầu tư cải tạo đất để phát triển sản xuất”. Đến nay, anh A Rê đã là ông chủ của 1 ha cà phê, 300 gốc chanh dây, hơn 150 trụ tiêu và 6 con bò, thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Anh còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều thanh niên ở địa phương. Nhờ nguồn thu ổn định, anh A Rê đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang, sắm sửa xe máy để đi lại, mua xe công nông để phục vụ sản xuất.  

Để tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn viên thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, thời gian qua, Đoàn xã Đak Djrăng đã làm cầu nối với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mang Yang giúp đoàn viên thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đoàn xã đã phát triển được 3 tổ vay vốn với 108 hội viên, tổng dư nợ trên 2,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng năm, Đoàn xã cũng tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do các đoàn thể địa phương tổ chức. Hiện toàn xã có trên 70 hộ thanh niên thu nhập trên 80 triệu đồng/năm.

Khi kinh tế đã ổn định, đoàn viên thanh niên trong xã cũng tích cực tham gia vào các phong trào khác của Đoàn như: phối hợp với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tổ chức nạo vét tuyến kênh mương tại làng Đê Gơl và thôn Hà Ra với chiều dài khoảng 8 km; trồng 100 cây xanh dọc hai bên tỉnh lộ 666 và dọc hai bên đường vào chợ Đak Djrăng; thường xuyên tổ chức các buổi lao động vì cuộc sống cộng đồng, phát quang đường làng ngõ xóm tại 6 làng đồng bào dân tộc thiểu số, dọn vệ sinh khu nhà rông… Từ các phong trào, hoạt động của Đoàn xã, tỷ lệ thanh niên tham gia tổ chức Hội đã không ngừng tăng. Đoàn xã Đak Djrăng hiện có 12 chi đoàn, gồm 9 chi đoàn thôn làng, 2 chi đoàn trường học, 1 chi đoàn dân quân với 187 đoàn viên, 340 thanh niên.

Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm