Theo đó, huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2%. Ngoài ra, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 10,03%, trong đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 4,2%, bảo hiểm xã hội bắt buộc 5,83% lực lượng lao động trong độ tuổi; 3,78% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Để đạt kết quả đó, kế hoạch cũng đề ra một số giải pháp, như: đầu tư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện, đáp ứng nhu cầu đào tạo đa ngành nghề của người lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động ở nông thôn phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đồng thời, rà soát, thu thập thông tin cung cầu lao động để đánh giá, dự báo nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực để kịp thời kết nối, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh, nâng cao chất lượng tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường thu hút các dự án đầu tư và phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững. Ưu tiên, bố trí nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đẩy mạnh hoạt động cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.