(GLO)- Là địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 55,3% dân số, những năm qua, huyện Đak Đoa (Gia Lai) luôn quan tâm xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS, góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quan tâm thực hiện chính sách đối với người có uy tín
Bà Lê Thị Hương-Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết: Hàng năm, Phòng đã phối hợp cùng các ban ngành liên quan và các xã, thị trấn xét chọn, tham mưu UBND huyện trình cấp thẩm quyền phê duyệt danh sách người uy tín trong đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, Phòng còn phối hợp triển khai chính sách người có uy tín theo quy định, tham mưu cấp ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thăm, tặng quà người có uy tín vào dịp lễ, Tết. “Từ năm 2016 đến nay, huyện đã mở 3 lớp tập huấn và cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh cho gần 320 lượt người có uy tín”-bà Hương nói.
Người có uy tín trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng. Ảnh: T.N |
Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cùng các tổ chức chính trị-xã hội thành viên, các xã, thị trấn rà soát, vận động, xây dựng, củng cố đội ngũ người có uy tín là những cá nhân điển hình trong đội ngũ già làng, trưởng thôn, điển hình sản xuất giỏi và công tác xã hội tốt, các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào tôn giáo... Cùng với việc triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững” do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với các cấp chính quyền hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các chính sách về dân tộc, tổ chức bồi dưỡng cho 106 người uy tín tại thôn, làng DTTS...
Ông Lê Chí Tôn-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa-cho biết: “Hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với UBND huyện tổ chức gặp mặt, biểu dương già làng, người có uy tín về công tác tuyên truyền, tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn, vận động nhân dân học tập và thực hiện theo Thư Bác Hồ gửi Đại hội các DTTS miền Nam, gương mẫu trong các phong trào và cuộc vận động góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”.
Tích cực xây dựng quê hương
Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn, tại xã Hnol, đội ngũ già làng, trưởng thôn, các cá nhân tiêu biểu đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, giúp bà con đồng thuận trong việc không chuyển nhượng đất đai, giữ đất để sản xuất, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiết kiệm trong chi tiêu, tham gia các lớp khuyến nông, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ đã ổn định sản xuất và đời sống, vươn lên thoát nghèo. Ông Uin-một người dân sống ở làng Thung (xã Hnol) tâm sự: “Trước đây, gia đình mình làm không đủ ăn, cuộc sống khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Được cán bộ xã và làng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn sản xuất theo cách lấy ngắn nuôi dài, tiết giảm chi phí nên đến nay gia đình mình có 2 ha cà phê kinh doanh, chăn nuôi bò, heo, gà... Đời sống ổn định, thu nhập ngày càng khá lên”.
Cán bộ MTTQ tuyên truyền thực hiện làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo. Ảnh: T.N |
Ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Đoa: “Đội ngũ già làng, trưởng thôn, người uy tín có vai trò rất quan trọng đối với phong trào ở cơ sở. Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn đội ngũ các cá nhân tiêu biểu và người có uy tín trong cộng đồng dân cư cũng như ở vùng DTTS, gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương nhằm xây dựng huyện nhà phát triển”. |
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tại xã Kdang có một gương điển hình là ông Grít-Trưởng thôn Mrah. Ông Grít đã tích cực vận động bà con nuôi nhốt, làm chuồng trại gia súc xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh. Ông còn vận động bà con đóng góp hơn 1.130 ngày công và gần 270 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương và duy tu bảo dưỡng hệ thống cấp nước phục vụ sản xuất. Tại xã Glar có ông Wut là cá nhân tiêu biểu trong việc vận động bà con định canh định cư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; vận động nhiều hộ duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tạo việc làm và đem lại thu nhập cho lao động tại chỗ. Ông Wut cùng cán bộ xã còn vận động nhân dân góp kinh phí và ngày công kiên cố hóa kênh mương, làm mới đường nội đồng dài 2,8 km, bê tông hóa hơn 5 km giao thông nông thôn, góp phần làm cho bộ mặt thôn ngày càng khang trang...
Tại xã Hà Đông, ông Đinh Đăm đã cùng với cán bộ trong hệ thống chính trị của xã vận động hơn 20 hộ dân làng Kon Sơ Nglok hiến đất để mở rộng đường vào khu sản xuất. Ông còn phối hợp với ngành chức năng của huyện và cán bộ tuyên truyền, phát động quần chúng từ bỏ tà đạo “Hà Mòn”, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn. Hay như ông Lick ở làng Piơm (thị trấn Đak Đoa) nhiều năm qua tích cực đoàn kết bà con lương-giáo, tham gia hòa giải và cùng địa phương giải quyết nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
THANH NHẬT