Chính trị

Đak Đoa: Tín đồ tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người theo các tôn giáo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Huyện Đak Đoa hiện có 4 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài với 27 tổ chức tôn giáo trực thuộc, hơn 70.000 tín đồ, chiếm 53,3% dân số. Toàn huyện có 20 cơ sở thờ tự, hơn 300 chức sắc và chức việc các tôn giáo.

Ông Lương Nam Xuất Thế-Trưởng phòng Nội vụ huyện-cho biết: “Phòng Nội vụ tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo triển khai các chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho hàng trăm lượt chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo; tổ chức thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật; quán triệt, tập huấn công tác tôn giáo và trao đổi thông tin, nghiệp vụ giúp đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tôn giáo ở các xã, thị trấn làm tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo”.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa gặp mặt thân mật đại biểu chức việc các tôn giáo. Ảnh: T.N

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa gặp mặt thân mật đại biểu chức việc các tôn giáo. Ảnh: T.N

Bên cạnh đó, vào dịp Tết và lễ trọng của các tôn giáo, cấp ủy, chính quyền, MTTQ địa phương đã đến thăm, tặng quà và gặp mặt thân mật các chức sắc, tu sĩ, đồng bào tôn giáo tiêu biểu nhằm ghi nhận và biểu dương những thành quả trong hoạt động từ thiện và góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ông Võ Tiến Đông-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện-cho hay: “Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động ổn định. Đồng thời, thường xuyên thực hiện việc xây dựng, củng cố đội ngũ chức sắc, cá nhân tiêu biểu, người uy tín trong các tôn giáo, thông qua họ để đoàn kết đồng bào theo đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường hoạt động từ thiện và an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Thực hiện theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, các giáo xứ Công giáo ở huyện Đak Đoa đã phát huy tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, sống “tốt đời, đẹp đạo”, chung sức xây dựng quê hương. Tiêu biểu như Giáo xứ La Sơn. Trong 5 năm gần đây, Giáo xứ đã vận động giáo dân đóng góp hàng trăm ngày công và hơn 600 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống điện.

Ông Trần Tấn Phong-Thành viên Ban Chức việc Giáo xứ-chia sẻ: “Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện về mọi mặt cho sinh hoạt của Giáo xứ. Do vậy, Ban Chức việc Giáo xứ có trách nhiệm nhắc nhở, động viên bà con giáo dân chấp hành pháp luật, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương”.

Quang cảnh tại Nhà thờ Giáo xứ La Sơn, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Ảnh: Thanh Nhật

Quang cảnh tại Nhà thờ Giáo xứ La Sơn, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa. Ảnh: Thanh Nhật

Chi hội Tin lành Kông Brech (xã Adơk) có gần 5.900 tín hữu. Mục sư Uyên-Thành viên Ban Đại diện Tin lành tỉnh, Quản nhiệm Chi hội Kông Brech-phấn khởi thông tin: “Trên địa bàn có 11 chi hội Tin lành thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) và nhiều điểm nhóm sinh hoạt ở các thôn, làng. Các chi hội đã xây dựng được 8 nhà thờ đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu hoạt động của Hội thánh, qua đó giúp đồng bào theo đạo sinh hoạt tôn giáo thuận lợi hơn”.

Trong quá trình hoạt động mục vụ, mục sư Uyên cùng tập thể Ban Chấp sự Chi hội tận tình hướng dẫn bà con chấp hành tốt quy định pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cũng như Hiến chương của Hội thánh và sống “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng tinh thần đoàn kết giữa bà con lương-giáo tại địa phương.

Ông đã tham gia cùng chính quyền, MTTQ địa phương trong các đợt tuyên truyền, vận động quần chúng, nhắc nhở bà con tín hữu dân tộc thiểu số phải giữ đất sản xuất, định canh định cư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no trên quê hương. Đồng thời, đề cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với các âm mưu của địch, không nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu.

Huyện Đak Đoa hiện cũng có 5 ngôi chùa và 1 niệm phật đường với gần 6.400 phật tử sinh hoạt. Tăng ni, phật tử đã ủng hộ nguồn kinh phí và vật chất trị giá nhiều tỷ đồng để tổ chức các hoạt động giúp đỡ người nghèo.

Xuất phát từ thực tế giao thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Kon Gang còn gặp khó khăn, Đại đức Thích Đồng Lý-Trụ trì chùa Thanh Trung đã vận động bà con phật tử đóng góp kinh phí và tích cực liên hệ nguồn tài trợ ở TP. Hồ Chí Minh để xây dựng cầu tràn kết cấu bê tông cốt thép dài gần 20 m bắc qua con suối thuộc địa bàn làng Kóp. “Chiếc cầu này đã tạo thuận lợi cho dân làng ra vào khu sản xuất, nhất là trong mùa mưa lũ cũng như vào mùa thu hoạch nông sản nên bà con phấn khởi lắm”-ông Đinh Bưch (người dân làng Kóp) bộc bạch.

Có thể bạn quan tâm