Điểm đến Gia Lai

Đak Đoa ưu tiên xây dựng làng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Diện mạo các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Đó là kết quả từ việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới (NTM) trong đồng bào DTTS.

Nông thôn khởi sắc

Làng Krun (xã Hneng) có 224 hộ với 1.100 khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc Bahnar chiếm hơn 90%. Ông Angươi-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Krun-cho biết: Trước đây, đời sống của người dân rất khó khăn. Nguyên nhân do bà con chưa biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“Sau khi được huyện Đak Đoa chọn làm điểm xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS, làng Krun đã được sắp xếp, quy hoạch lại bài bản; dọc theo 2 trục đường bê tông là nơi sinh sống của người dân, lấy nhà rông làm khu trung tâm làng. Chính quyền xã phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê, hồ tiêu, trồng xen cây ăn quả. Nhờ vậy, vườn cây đạt năng suất nâng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân”-ông Angươi kể.

ong-anguoi-bia-phai-bi-thu-chi-bo-kiem-truong-thon-krun-xa-hneng-van-dong-gia-dinh-ba-rem-lam-duong-giao-thong-nong-thon-anh-dinh-yen.jpg
Ông Angươi-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Krun (xã Hneng) vận động gia đình bà Rem tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng làng nông thôn mới. Ảnh: Đ.Y

Trước đây, gia đình bà Rem có hoàn cảnh khó khăn nhất làng Krun. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn trồng kỹ thuật cà phê trên diện tích 2 ha, rồi xen canh cây ăn quả, gia đình bà lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Đầu năm 2024, gia đình bà xây dựng ngôi nhà khang trang trị giá 1 tỷ đồng.

“Trước đây, diện tích đất này gia đình mình chỉ trồng hoa màu. Sau đó, mình học hỏi bà con xung quanh để chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu. Do lần đầu chưa biết chọn cây giống nên cà phê đạt năng suất thấp. Sau khi được tập huấn, gia đình mình thay thế dần cây cà phê cũ sang giống đạt chuẩn. Hiện nay, năng suất vườn cây khá ổn định”-bà Rem chia sẻ.

Tương tự, phong trào xây dựng làng NTM đã được cán bộ, người dân làng O Yố (xã Ia Băng) hưởng ứng sôi nổi. Ông Ning-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn O Yố-cho biết: Làng O Yố có đường liên xã và đường chính đi qua địa bàn tạo điều kiện cho giao thương phát triển. Bên cạnh đó, làng có các điểm trường, nhà sinh hoạt cộng đồng kiên cố; trình độ dân trí cao hơn so với các làng khác nên công tác tuyên truyền, vận động người dân gặp thuận lợi.

“Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, làng đã huy động gần 3 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, trong đó, người dân đóng góp 1,04 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con còn hiến gần 3.000 m2 đất và đóng góp hàng trăm ngày công tham gia dọn vệ sinh tạo cảnh quan thôn làng ngày càng xanh-sạch-đẹp”-ông Ning cho hay.

Còn ông Bdi (làng O Yố) thì cho biết: “Hầu hết các tuyến đường của làng đều được đổ bê tông, thảm nhựa nên việc đi lại của người dân thuận lợi hơn”.

“Hiện nay, làng O Yố chỉ còn 4 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Thời gian tới, làng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao tính chủ động, tự giác của người dân trong phát triển sản xuất để từng bước thoát nghèo; đồng thời, đóng góp tích cực cho xây dựng, cải thiện hạ tầng, gìn giữ vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, góp phần duy trì các tiêu chí xây dựng NTM”-Bí thư Chi bộ làng O Yố khẳng định.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Đến nay, huyện Đak Đoa có 11 làng đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Kim Anh, việc xây dựng làng NTM trong đồng bào DTTS đang đối diện với một số khó khăn. Nguyên nhân là do đời sống của người dân còn khó khăn, giao thông nông thôn còn hạn chế; quy hoạch, sắp xếp nhà cửa, bố trí lại dân cư ở các làng đồng bào DTTS cũng đang là bài toán khó.

mot-goc-lang-o-yo-xa-ia-bang-hom-nay-anh-hong-thuong.jpg
Một góc làng O Yố (xã Ia Băng) hôm nay. Ảnh: Hồng Thương

Theo ông Cao Cự Thông-Phó Chủ tịch UBND xã Hneng: Thời gian qua, xã đã nỗ lực giúp làng Krun đạt chuẩn NTM. Để có được kết quả này là nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị và có sự đóng góp của các doanh nghiệp và người dân.

Còn ông Trần Văn Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng thì cho rằng: “Đến nay, xã có 2 làng đạt chuẩn NTM là O Yố và Châm Prông. Thời gian tới, xã tiếp tục tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của các đơn vị bộ đội, nhà hảo tâm để hỗ trợ 2 làng xây dựng, cải tạo hạ tầng; đồng thời, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tiến bộ kỹ thuật để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM của xã”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Kim Anh cho biết thêm: “Năm 2025, huyện phấn đấu có thêm 6 làng đạt chuẩn NTM. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, các cơ quan, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương cần vào cuộc một cách quyết liệt với những giải pháp cụ thể, thiết thực để Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có sức lan tỏa trong cộng đồng”.

Có thể bạn quan tâm