Việc khai thác cát bằng giàn khoan đã bị nghiêm cấm, nhưng ở đoạn sông chảy qua xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên dùng máy khoan hút cát cắm sâu vào bờ sông mà không hề bị xử lý…. Ai “chống lưng” cho việc này?
Ngang nhiên “nuốt” cát
Theo phản ánh của người dân, phóng viên đã có chuyến thực tế để ghi nhận thực trạng trên. Khi có mặt tại đoạn sông chảy qua xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, chúng tôi ghi hình được một sà lan chở cát mang logo Cty TNHH Hà Bình (số hiệu ĐL-HB 06), đang được sử dụng để chuyên chở cát. Điều đáng nói là cách bãi tập kết cát chừng 60m, một sà lan không số hiệu, được độ chế lắp dàn khoan với 2 ống xả đang ngang nhiên “dí” thẳng mũi khoan vào bờ hút cát.
Chiếc sà lan được tiến sát bờ và độ chế kiểu dàn khoan, 2 chiếc sà lan được móc nối vào nhau cố định. Việc phân chia nhiệm vụ của từng người trên sà lan này cũng rất gọn lẹ, chỉ trong vòng vài phút công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Một người được phân công điều khiển máy khoan, 2 người còn lại trông coi 2 vòi rồng phun cát. Sau khi mũi khoan được dí sát vào bờ, tiếng nổ bắt đầu nặng dần đều. Chỉ trong tích tắc chiếc sà lan này như đã quen nhịp, vào guồng và dần "nuốt gọn" hàng trăm khối cát khổng lồ.
“Giàn khoan” dán logo của Công ty TNHH Hà Bình ngang nhiên hút cát ở bờ sông Krông Pắk.
Tiếng máy càng nổ vang, 2 vòi rồng càng phun mạnh dần. Nhìn vào đồng hồ trên tay, chỉ chừng hơn 20 phút, chiếc sà lan này đã hút đầy tràn khoang cát trên sà lan (1 sà lan cỡ trung bình có sức chứa 40-50 m3 cát). Bằng mắt thường cũng có thể thấy được, khả năng “nuốt” siêu nhanh giàn máy khoan này.
Sau khi sà lan mang số hiệu ĐL-HB 06 “ăn no” cát, lại nổ máy di chuyển về bãi tập kết cách đó gần 100m. Sau khi hút cát lên bờ, sà lan này lại tiếp tục ghép đôi với sà làn có giàn khoan để tiếp tục “tuồn” cát lên bờ. Quy trình cứ lặp đi lặp lại đến hết ngày. Theo ước lượng của chúng tôi, mỗi ngày chiếc sà lan này này có thể “rút ruột” khoảng 300-400 m3 cát, tại bờ sông Krông Pắk.
Hậu quả để lại của mỗi lần giàn khoan hút cát là bờ sông bị xói sâu vào, có thể gây sạt lở bất kỳ lúc nào. Hoạt động này diễn ra công khai, nhưng các hộ dân sống xung quanh chỉ biết “thở dài” bất lực.
Bờ sông Krông Pắk bị sạt lở nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống xung quanh.
Ai “chống lưng”?
Sau khi ghi nhận thực tế hoạt động “ngang nhiên” dùng giàn khoan khai thác gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng, phóng viên có buổi liên hệ làm việc với ông Lê Viết Nhượng – Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk thì ông trả lời thờ ơ rằng: “Xã chỉ có thẩm quyền được xử lý nếu bến bãi của đơn vị sai quy định. Mọi vấn đề khác chỉ được theo dõi, báo cáo lên cấp trên. Hiện tại tôi vẫn chưa được báo cáo về việc doanh nghiệp Hà Bình dùng giàn khoan vào việc hút cát”.
Còn thực tế vấn đề liên quan đến việc khai thác cát trên địa bàn thì ông Nhượng khẳng định đã giao cho một phó chủ tịch xã quản lý, chịu trách nhiệm báo cáo lên cấp trên.
Khi PV cùng cán bộ địa chính xây dựng xã Vụ Bổn về tận hiện trường khai thác chứng kiến bằng mắt thường những đoạn bờ sông đang sạt lở nghiêm trọng thì PV chỉ nhận được câu trả lời rằng “gần một năm qua xã vẫn chưa có một báo cáo nào bằng văn bản về tình hình khai thác của doanh nghiệp Hà Bình, mà chỉ báo cáo bằng “miệng” hoặc qua điện thoại”. Được biết, cứ cách hai hoặc ba tháng lại có đoàn kiểm tra liên nghành bao gồm đại diện Phòng TNMT huyện, Phòng kinh tế, hạ tầng, Chi cục thuế, Công an huyện, làm việc với các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn, trong đó có Cty TNHH Hà Bình.
Để làm rõ thêm những vấn đề trên, PV đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Xuân Hưng - Trưởng Phòng TNMT huyện Krông Pắk. Ông Hưng cho biết chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc Cty TNHH Hà Bình dùng giàn khoan để khai thác cát, cũng như thông tin về việc đơn vị này khoét sâu vào bờ sông gây sạt lở nghiêm trọng.
“Việc doanh nghiệp Hà Bình, dùng giàn khoan khai thác tôi mới nghe lần đầu tiên”, ông Hưng trả lời.
Cũng theo ông Hưng, doanh nghiệp Hà Bình (Cty TNHH Hà Bình), được UBND tỉnh Đắk Lắk, cấp phép hoạt động, khai thác dọc dòng sông Krông Pắk, có chiều dài 14km.
“Trong đề án khai thác, tất cả các doanh nghiệp chỉ được cấp phép khai thác dưới lòng sông, không được hút vào bờ và không được phép sử dụng giàn khoan để khai thác cát”, ông Hưng khẳng định.
Điều khiến dư luận hoài nghi là tại sao Cty TNHH Hà Bình được cấp phép hoạt động gần một năm nay, ngang nhiên khai thác, hút cát vào bờ trái quy định, thậm chí dùng giàn khoan trái phép mà không bị phát hiện xử lý. Phải chăng cơ quan chức năng nơi đây đang cố tình “làm ngơ” cho Công ty TNHH Hà Bình khai thác gây sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh bờ sông Krông Pắk (!?)
Dư luận chờ câu trả lời của cơ quan chức năng có thẩm quyền ở tỉnh Đắk Lắk.
Phương Nam (NĐ&ĐS)