Mặc dù là phiên tòa được mở công khai nhưng TAND tỉnh Đắk Lắk lại không cho báo chí quay phim, chụp ảnh và thậm chí là ghi âm.
Sáng 15/9, nhiều cơ quan báo chí đến tác nghiệp tại phiên tòa phúc thẩm một vụ án lao động do TAND tỉnh Đắk Lắk tổ chức đã bị cấm quay phim, chụp ảnh và ghi âm.
Mặc dù phiên tòa công khai nhưng báo chí bị cấm quay phim, chụp ảnh và cả ghi âm. |
Vụ án đang xét xử là vụ "Kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại" giữa nguyên đơn là ông Đoàn Thành Tùng - nguyên Trưởng văn phòng đại diện của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Công ty Prudential) và bị đơn là Công ty Prudential.
Trước khi phiên tòa diễn ra, một số cơ quan báo chí đã tới bàn thư ký phiên tòa xuất trình thẻ nhà báo, giấy giới thiệu để đăng ký tác nghiệp theo quy định. Tiếp nhận các loại giấy tờ của phóng viên, thư ký phiên tòa (theo quyết định đưa vụ án ra xét xử là bà Phan Thị Linh Chi) đã vào báo cáo với chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Huờn - Thẩm phán TAND tỉnh Đắk Lắk.
Tuy nhiên, ít phút sau, nữ thư ký tòa ra trả lại giấy tờ và cho rằng chủ tọa phiên tòa nói báo chí được đăng tin tức, nhưng không được quay phim, chụp ảnh trong phòng xử án. Khi phóng viên thắc mắc theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, đây là "vụ án được xét xử công khai", phóng viên sẽ tác nghiệp đúng vị trí tòa sắp xếp, không gây ảnh hưởng đến hội đồng xét xử và xin được ghi hình ảnh, thư ký tòa vẫn không đồng ý và nhắc lại rằng chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu.
Đồng thời, nữ thư ký tòa cũng ra hiệu cho lực lượng công an bảo vệ phiên tòa thực hiện theo chỉ đạo được cho rằng của chủ tọa phiên tòa. Bên cạnh đó, khi phiên tòa vừa diễn ra, phóng viên mở điện thoại để ghi âm thì ngay lập tức lực lượng an ninh yêu cầu không được ghi âm.
Được biết, trước đó, TAND TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã xét xử và nhận định việc Công ty Prudential chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Tùng là vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, 2, điều 38, 39 Bộ Luật Lao động năm 1994 (sửa đổi năm 2007).
Tòa sơ thẩm tuyên hủy quyết định ngày 15/3/2018 của Công ty Prudential về việc "Cho người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương" đối với ông Tùng. Đồng thời, Tòa cũng tuyên buộc Công ty Prudential phải bồi thường tiền lương, tiền phụ cấp lương và các chế độ liên quan cho ông Tùng với tổng số tiền 288 triệu đồng.
Sau đó, cả ông Tùng và Công ty Prudential kháng cáo bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay (15/9), đại diện Công ty Prudential đề nghị thỏa thuận bồi thường cho ông Tùng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Tùng không đồng ý và yêu cầu tòa xét xử buộc bồi thường cho ông tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Hiện, phiên tòa đang tiếp tục diễn ra.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)