Thời gian gần đây, người dân sống gần khu vực rừng thuộc hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) luôn trong cảnh lo lắng, đề phòng vì đàn voi rừng thường xuyên “ghé thăm”, phá hoại hoa màu, chòi rẫy.
Hơn hai tháng nay, anh Ma Văn Canh (huyện Buôn Đôn) luôn phải túc trực tại rẫy cả ngày lẫn đêm để canh giữ vườn sắn khỏi bị đàn voi rừng phá hoại. Rẫy nhà anh ở xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) nằm trong hành lang di chuyển của voi rừng nên chúng thường xuyên lui tới, nhất là vụ thu hoạch.
Từ tháng 10-2019 đến nay, đàn voi rừng đến khu vực rẫy nhà anh Canh hai lần, mỗi lần đi cả đàn, số lượng lên đến vài chục con, có cả voi lớn lẫn voi con. Đàn voi ăn thì ít mà nghịch phá thì nhiều, chúng đi đến đâu, hoa màu bị giẫm đạp, chòi rẫy bị quật ngã đến đó.
Lúa nhà anh Y Dami Knul phải thu sớm do voi rừng giẫm phá.
Voi rừng thường xuất hiện vào chiều tối nên mới vào cuối chiều là người đi rẫy lo thu dọn đồ đạc về; đồng thời, cắt cử đàn ông ở lại chòi rẫy để canh đuổi voi. Voi rừng đi theo đàn và rất hung dữ, đã từng tấn công làm chết người.
Khi phát hiện voi về, người dân sẽ hô hào cho những người xung quanh biết, phối hợp đuổi voi; hoặc điện báo cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk hay nhờ đội phản ứng nhanh tại địa phương giúp sức.
Cách đuổi voi nhanh là bật nhạc, đốt lửa, soi đèn pin, dùng xoong nồi, trống chiêng khua đuổi liên tục cho đến khi chúng lùi vào rừng sâu. Tuy nhiên khi đói, đàn voi lại về rẫy kiếm thức ăn.
Bên tấm bạt lúa dính đầy bụi đất có nhiều hạt lúa lép vì phải thu hoạch sớm do voi rừng đến “thăm”, anh Y Dami Knul (buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cho biết nhà có 3 sào lúa nhưng chỉ thu được 5 bao thóc; số còn lại bị đàn voi vùi sâu dưới vũng bùn. Nếu không bị voi giẫm đạp, vụ lúa này, nhà anh thu trên 20 bao.
Vụ lúa thất thu, gia đình anh Y Dami đang tập trung giữ diện tích sắn còn lại nhưng vẫn thấp thỏm không yên. Việc đàn voi “ghé thăm” phá hoại hoa màu đã không còn xa lạ với người dân buôn Đrăng Phôk. Voi rừng thích ăn ngô, sắn, lúa, mía...; chúng thường canh thời điểm cây ngô đóng hạt, lúa trổ đòng, cây sắn to củ để kéo về.
Voi rừng bị gặp nạn được Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cứu hộ, chăm sóc.
Người dân cũng biết thời gian voi lui tới và đã chủ động đi canh ngừa nhưng không được. Do rẫy cách xa buôn làng, voi lại về ban đêm, dân làng bắt gặp đánh trống khua chiêng mạnh cỡ nào chúng vẫn lì lợm ăn phá cho chán mới chịu rời đi.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4-7 đàn voi hoang dã với số lượng khoảng 80-100 cá thể. Quần thể voi hoang dã có đầy đủ cơ cấu bầy đàn voi đực, voi cái, voi con, voi trưởng thành và voi già.
Ông Y Tê Brông, Trưởng buôn Đrăng Phôk (xã Krông Na, Buôn Đôn) cho biết: Từ đầu tháng 8-2019 đến nay đã có tới 7 đợt voi rừng về phá hoại hoa màu của người dân trong buôn. Theo số liệu người dân trình báo, có khoảng 10 ha cây trồng bị đàn voi ăn, phá.
Trước đây, voi rừng ít xuất hiện trong buôn nhưng vài năm gần đây, tần suất voi về ngày càng nhiều, có năm lên tới chục lần. Hiện chưa có biện pháp triệt để hạn chế voi về khu vực dân cư phá hoại cây trồng, chòi rẫy... nên người dân chỉ biết đề phòng, nếu thấy voi thì tập trung xua đuổi bằng các dụng cụ phát ra âm thanh, đảm bảo an toàn cho voi và người.
Theo điều tra sơ bộ của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, vùng phân bố, sinh cảnh sống ổn định của voi hoang dã trong phạm vi diện tích khoảng 173.059 ha nằm trên hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Trong đó, sinh cảnh sống chính là những khu vực voi hoang dã thường xuyên cư trú, có diện tích 157.455,6 ha; khu vực voi hoang dã di chuyển kiếm ăn theo mùa có diện tích 15.603,4 ha.
Để giảm thiểu xung đột voi - người, Trung tâm đã mở nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn, hội thảo bàn các giải pháp bảo tồn voi hoang dã gắn với giảm thiểu xung đột voi - người trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, Ea Súp và huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Trung tâm cũng làm bảng tuyên truyền tại các điểm nóng; phát hành nhiều tờ rơi, tài liệu tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo tồn voi và các giải pháp giảm thiểu xung đột voi - người đến với nhân dân, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong khu vực có voi hoang dã cư trú, di chuyển. |
Dân việt (Theo Thanh Thủy/Báo Đắk Lắk)