Mới đây, Tập đoàn Xuân Thiện đã tổ chức Lễ khởi công Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện – Cư M'gar, với tổng mức đầu tư hơn 705 tỷ đồng. Trước đó, tỉnh Đắk Lắk đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với 24 dự án cam kết đầu tư vào nông nghiệp, tổng vốn hơn 25.000 tỷ đồng.
"Làn sóng" đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vào tỉnh Đắk Lắk
Được biết, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện – Cư M'gar được đầu tư xây dựng tại xã Ea Kpam, với tổng mức đầu tư 705,6 tỷ đồng, diện tích của dự án khoảng 107,6 ha.
Chủ đầu tư cho biết, dự án trên có các mục tiêu chính: Thử nghiệm và lựa chọn sản xuất giống cây trồng có năng suất cao, sạch bệnh, chất lượng cao; Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ; hình thành trung tâm chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản; Hình thành điểm tham quan học tập tri thức nông nghiệp và du lịch sinh thái; liên kết đào tạo cán bộ và nông dân kiến thức về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã đánh giá cao việc tỉnh Đắk Lắk và Tập đoàn Xuân Thiện sau nhiều nỗ lực, quyết tâm đã chính thức khởi công dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cư M'gar.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi lễ khởi công. |
"Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững và nâng cao giá trị gia tăng hàng nông sản, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Bộ NNPTNT đề nghị sau lễ khởi công, Tập đoàn Xuân Thiện tiếp tục thực hiện tốt các cam kết của mình cũng như các mục tiêu, kế hoạch đề ra của dự án.
Bên cạnh đó, đề nghị lãnh đạo các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn Xuân Thiện; nhất là tạo môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với bà con nông dân bền chặt, hiệu quả.
Bộ NNPTNT cũng đề nghị lãnh đạo các cấp chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk và các địa phương Tây Nguyên chủ động chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư, nhất là hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sinh thái...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại buổi lễ. |
Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào quý IV/2023, đến quý I/2024 có sản phẩm đưa ra thị trường.
Trong tương lai, Tập đoàn Xuân Thiện hướng tới xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện - Cư M'gar” trở thành Trung tâm giống gốc (cây giống và con giống) chất lượng cao của vùng Tây Nguyên.
Khi hoàn thành, doanh thu hàng năm của chuỗi dự án khoảng 33.000 tỷ đồng/năm; đóng thuế tại địa phương hàng năm khoảng 2.000 tỷ đồng; thu hút khoảng 10.000 lao động tại địa phương và vùng lân cận.
Ngoài ra, dự án cũng sẽ thu mua nông sản của bà con nông dân tại địa phương để làm nguyên liệu sản xuất nước trái cây và sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tập đoàn Xuân Thiện tặng 2 tỷ đồng cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh để thực hiện công tác từ thiện, an sinh xã hội. |
"Làn sóng" đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Dự án trên là bước khởi đầu trong chuỗi tổ hợp các dự án sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao của Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk, có tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD (tương đương 25.764 tỷ đồng).
Sau khi hình thành, hàng năm các sản phẩm được tạo ra trong chuỗi dự án các khu liên hợp gồm có: 155.000 tấn thực phẩm chế biến từ thịt lợn; 568.000 tấn thành phẩm từ trái cây, rau và củ; 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600.000 tấn phân vi sinh hữu cơ; hình thành tổng đàn lợn 45.600 lợn nái và cung cấp 1 triệu lợn thịt/năm, 170.000 lợn giống/năm, 2,2 triệu cây giống/năm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu...
Đặc biệt, trong chuỗi dự án sẽ hình thành khu logistics thông minh, hiện đại tại TP. Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, chuỗi dự án còn có sản phẩm nước ép trái cây cao cấp, góp phần quảng bá hình ảnh Đắk Lắk với bạn bè quốc tế, góp phần đưa tỉnh ngày càng phát triển.
Đàn heo cụ kỵ, ông bà được Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn nhập khẩu từ Canada đưa về chăn nuôi tại dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk, huyện Cư M'Gar. Ảnh: De Heus |
Trước đó, cũng tại huyện Cư M'Gar, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) đã liên kết đầu tư Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk, quy mô 200ha. Tổng vốn đầu tư 2 giai đoạn của dự án là 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng).
Năm 2021, dự án này đã đi vào hoạt động, chăn nuôi 1.250 con heo cấp cụ kỵ, ông bà và mới đây đã đón lứa heo hậu bị chất lượng cao đầu tiên.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tổ chức tháng 4/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó gồm: Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk cho Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk, địa điểm đầu tư tại huyện Cư M'gar, diện tích xây dựng 45 ha, với tổng số vốn 360 tỷ đồng.
Trang trại chăn nuôi heo công nghiệp kết hợp trồng cây công nghiệp, nông nghiệp cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Chăn nuôi Ea Súp, địa điểm đầu tư tại huyện Ea Súp, diện tích xây dựng 94 ha, tổng số vốn 192 tỷ đồng.
Nhà máy chế biến trái cây cho Công ty TNHH Trái cây Darlac Farms, địa điểm đầu tư tại huyện Ea Kar, diện tích xây dựng 3 ha tổng số vốn 100 tỷ đồng.
Trang trại chăn nuôi tập trung heo giống Star Farm Dak Lak, địa điểm đầu tư tại huyện Buôn Đôn, diện tích xây dựng 9 ha, tổng số vốn 198 tỷ đồng.
Trang trại chăn nuôi heo thịt Tasico Ea Sô cho Công ty Cổ phần Tasico Ea Sô, địa điểm đầu tư tại huyện Ea Kar, diện tích xây dựng 18 ha tổng số vốn gần 106 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có Nhà máy ấp trứng gia cầm tại Đắk Lắk cho Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, địa điểm đầu tư tại huyện Krông Búk, diện tích xây dựng 2,2 ha, tổng số vốn 128 tỷ đồng.
Cũng trong Hội nghị nói trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư với 24 dự án trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; chế biến nông, lâm sản; chế biến trái cây, dược liệu, thức ăn gia súc; giết mổ gia súc gia cầm tập trung; logistics... Tổng mức đầu tư dự kiến của các dự án trên là 25.672 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, có được những kết quả trên là nhờ tỉnh đã có những đổi mới trong chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn.
Ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk cho biết, Nghị quyết đại hội lần thứ 17 của tỉnh Đắk Lắk và các nghị quyết chuyên đề đã đặt ra các lĩnh vực ưu tiên phát triển có lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát huy tiềm năng lợi thế, những thế mạnh về nông nghiệp địa phương, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong đó, doanh nghiệp được xác định có vai trò "hạt nhân" thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản...
Với tinh thần này, Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến với Đắk Lắk tham gia, đồng hành cùng với tỉnh, cùng với bà con ở địa phương phát triển kinh tế.
Theo thống kê của Sở NNPTNT Đắk Lắk, trong 10 năm trở lại đây, Đắk Lắk đã thu hút được 75 dự án đầu tư vào nông nghiệp; xây dựng trên 120 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Đắk Lắk đã xây dựng hàng loạt vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung thông qua mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, với gần 400 hợp tác xã và 300 tổ hợp tác nông nghiệp. |
Theo Thiên Ngân (Dân Việt)