TN - Đất & Người

Đắk Lắk khan hiếm nước sản xuất: Gần 11.000 hộ dân thiếu nước sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, toàn huyện Ea Súp có hơn 83 nghìn hécta đất sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, trong đó có hơn 84% quanh năm hầu như không có nước tưới để phát triển các loại cây trồng. Hệ quả, ở địa phương này hiện đang có hàng chục nghìn hộ nghèo và cận nghèo, vào loại hàng đầu ở tỉnh Đắk Lắk. 

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở xã Ia Rvê “bỏ hoang“, người dân chờ khi mùa mưa tới thì mới có thể gieo trồng các loại cây trồng. Ảnh: Phan Tuấn
Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở xã Ia Rvê “bỏ hoang“, người dân chờ khi mùa mưa tới thì mới có thể gieo trồng các loại cây trồng. Ảnh: Phan Tuấn
Ruộng đồng khô khốc, 10.970 hộ dân đói nghèo
Những ngày này, tìm về các khu dân cư ở xã Ia Rvê, ở huyện Ea Súp, chúng tôi chứng kiến hàng nghìn hécta đất có địa thế bằng phẳng đang bị bỏ hoang, không có cây trồng. Ở một vài nơi khác thì đã trồng cây ăn quả, cầy điều, cây mì (cây sắn)… những cũng hết sức èo uột, hiệu quả kinh tế không cao.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân địa phương cho biết, thời điểm này đã qua thời điểm mùa mưa nên đất đai ở đây chủ yếu bỏ hoang, không thể gieo trồng được loại cây nào để mang về hiệu quả kinh tế. Dừng chân ở thôn 7, mới 9h sáng nhưng chúng tôi chứng kiến một nhóm người trung niên (đều là lao động chủ lực ở trong các gia đình) đang tụ tập trà nước, ăn nhậu.
Chia sẻ về việc này, ông Trần Văn Quyết (chủ nhà) cho biết, mùa này, thời tiết đã dần chuyển sang mùa khô bà con nơi đây khá rảnh rang vì không có việc gì để làm. Chỉ khi mưa xuống, cây trồng mới có thể sinh sôi, phát triển, khi đó người dân nơi đây mới tiến hành trồng lúa, trồng mì... 
Theo ông Quyết, gia đình ông cùng nhiều người dân trong thôn từ nhiều tỉnh thành trong cả nước lên xã Ia Rvê làm kinh tế mới từ năm 2002. Khi lên đây, do không có nước sản xuất nên bà con nông thôn đã tìm đến khu vực ven suối, sình lầy… để trồng cây điều, cây ăn trái. Tuy nhiên, do mùa khô kéo dài hơn 6 tháng, trong khi không có hồ đập thủy lợi nên các loại cây trồng không phát triển ổn định, cho năng suất rất thấp.
“Toàn thôn có hơn 100 hộ gia đình sinh sống nhưng chỉ có 2 hộ gia đình thoát nghèo. 2 hộ gia đình này cán bộ đang làm việc ở UBND xã. Mặc dù có nhiều đất sản xuất nhưng nguyên nhân khiến người dân kinh tế mới chúng tôi luẩn quẩn trong đói nghèo là do không có nước sản xuất” - ông Quyết tâm sự.
Tương tự, ông Phan Văn Lào từ tỉnh Quảng Nam lên xã Ia Rvê làm kinh tế mới từ năm 2006. Đến vùng đất mới, ông Lào có khoảng 3ha đất trồng điều, lúa, mì… Tuy nhiên, do thiếu nước sản xuất nên nhiều năm qua, ông Lào vẫn là hộ nghèo ở địa phương.
“Điều là cây chống hạn tốt nhất và cũng là cây trồng chủ lực của người dân ở xã Ia Rvê. Tuy nhiên, vì thiếu nước tưới nên cây điều cũng không đủ sức để ra hoa, đậu quả. Trung bình mỗi vụ, người dân chúng tôi thu về khoảng 2 tấn nhân thì hiệu quả kinh tế không cao. Còn việc trồng mì, trồng lúa cũng chỉ là "phụ họa", vì chủ yếu trông chờ vào thời tiết” - ông Lào chia sẻ.
Theo UBND huyện Ea Súp, cũng bởi do thiếu nước sản xuất nên mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến năm 2022 toàn huyện Ea Súp vẫn còn hơn 10.970 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 54,55% tổng số hộ dân toàn huyện.
Thiếu trầm trọng công trình  thủy lợi
Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Bí thư Huyện ủy Ea Súp, đỉnh điểm của hạn hán, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt nhất phải kể đến năm 2016. Thời điểm này hạn hán đã làm 2.742 hộ dân, gần 10.000 khẩu thiếu nước sinh hoạt, 1.145,9ha cây trồng và 1.975ha rừng bị thiệt hại.
Cũng trong đợt hạn hán kéo dài này đã có hàng trăm con trâu, bò  bị chết do thiếu nước uống và thức ăn… tại các xã Ia Lốp, Ia Rvê, Ia Jlơi, Cư Kbang... Vì vậy, địa phương rất mong muốn nhận được sự quan tâm, đầu tư các công trình thủy lợi để người dân khai thác tài nguyên đất đai, phát triển sản xuất.
Từ đó đến nay hạ tầng thủy lợi ở huyện Ea Súp vẫn chưa có nhiều biển chuyển. Theo thống kê, toàn huyện huyện Ea Súp có 160.478,6ha đất nông nghiệp, chiếm tỉ lệ 90,91% tổng diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, theo đánh giá của Huyện ủy Ea Súp, tổng diện tích tưới theo thiết kế của các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện tính đến nay đạt khoảng 13.805ha/83.324,59ha đất sản xuất nông nghiệp, đạt tỷ lệ khoảng 16,57% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có nhu cầu tưới tiêu.
Như vậy, còn 83,43% diện tích sản xuất nông nghiệp không thể chủ động được nguồn nước tưới tiêu, cũng như ứng phó với thiên tai (hạn hán, lũ lụt), làm cho đời sống của Nhân dân càng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Ea Súp là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hoạt động kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. 
Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Bí thư Huyện ủy Ea Súp, những năm gần đây, do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, dẫn đến tình trạng ngập lụt vào mùa mưa và hạn hán trong mùa khô trên địa bàn huyện diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đó, những tháng thường có mưa bão, ngập lụt nhiều nhất là từ tháng 7 đến tháng 10, còn hạn hán nghiêm trọng thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm.
"Chỉ khi được đầu tư các công trình thủy lợi thì người dân mới có thể khai phá được tiềm năng về đất đai để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội" (Ông Nguyễn Thiên Văn, Bí thư Huyện ủy Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk)
Theo Phan Tuấn (LĐO)
https://laodong.vn/xa-hoi/dak-lak-khan-hiem-nuoc-san-xuat-gan-11000-ho-dan-thieu-nuoc-san-xuat-1127128.ldo

Có thể bạn quan tâm