TN - Đất & Người

Đắk Lắk khan hiếm nước sản xuất: Hồ đập thủy lợi nhiều, nhưng hiệu quả ít

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hiện nay, ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hàng loạt công trình hồ, đập, công trình thủy lợi tại nhiều địa phương đã xuống cấp, hư hỏng nặng, mất an toàn nghiêm trọng. Nếu không sớm được khắc phục sửa chữa,  nhiều công trình thủy lợi sẽ như những quả "bom nước" đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân dưới hạ lưu.

Trong mùa khô, nhiều hồ đập ở tỉnh Đắk Lắk đã về mực nước chết không còn đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu của người dân trên địa bàn. Ảnh: Phan Tuấn
Trong mùa khô, nhiều hồ đập ở tỉnh Đắk Lắk đã về mực nước chết không còn đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu của người dân trên địa bàn. Ảnh: Phan Tuấn
Nỗi lo những quả "bom nước"!
Hồ 24, ở xã Ea Hu, huyện Cư Kuin có 23,5ha diện tích mặt nước với dung tích 550.000m3. Công trình này được xây dựng, nâng cấp từ năm 1988, hiện đang phục vụ cung cấp nước tưới cho 250ha cây trồng các loại.
Trước đây, hiện trạng thân đập được đắp bằng đất. Hiện nay, thân đập đã được gia cố bằng bêtông nhưng đã trải qua hơn 35 năm sử dụng. Điều đáng nói, hồ 24 nằm ở cuối lưu vực của các nhánh sông. Trong quá trình vận hành, lượng nước mưa lũ đổ về sẽ không bảo đảm điều kiện thoát hết lũ, nguy cơ vỡ đập là rất lớn.
Chưa dừng lại ở đó, mặc dù diện tích mặt nước lớn nhưng dung tích hồ chứa lại rất nhỏ. Điều này dẫn đến việc vào vụ người dân không có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất các loại cây trồng. Qua tính toán, lượng nước vào vụ sản xuất đang thiếu hụt khoảng 40-50% so với nhu cầu thực tế của người dân. Còn nếu tích nước đúng theo thiết kế thì sẽ làm ngập một số diện tích đất của người dân ở trong khu vực lòng hồ.
Tương tự, hồ buôn Pu Huê, ở xã Ea Ktua, huyện Cư Kuin có thân đập nằm trên trục đường liên xã, phía dưới là khu dân cư. Hồ có khoảng 6ha mặt nước với dung tích khoảng 150.000m3, phục vụ tưới nước cho khoảng 140ha cây trồng.
Lo ngại nhất là thượng nguồn của hồ buôn Pu Huê có 2 hồ thủy lợi rất lớn khác nằm trên 2 nhánh sông đều đổ về đây. Đó là hồ 37A và hồ 37B với dung tích hơn 1,7 triệu mét khối nước. Đó là chưa kể lưu lượng nước từ sông suối đổ về.
Đối với hồ buôn Pu Huê cũng không có tràn xả lũ mà chỉ có cống lấy nước, kết hợp tràn có khẩu độ rất nhỏ là 90x70cm. Do đó, khi lũ về thì nước không thoát kịp mà phải tràn qua thân đập, làm ngập đường giao thông liên xã và nguy cơ vỡ đập cũng rất cao.
Do đó, nếu như hồ buôn Pu Huê không được nâng cấp thì nguy cơ mất an toàn nguồn nước là rất lớn. Những bất cập này được xem như là những quả "bom nước" dễ gây họa cho người dân ở vùng hạ lưu. 
Hồ đập nhiều, bảo trì ít
Hiện Đắk Lắk có khoảng 782 hồ, đập, công trình thủy lợi, nhiều nhất vùng Tây Nguyên. Trong đó, bao gồm 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước, với tổng dung tích khoảng 650 triệu mét khối. Qua kiểm tra, rà soát thực địa các ngành chức năng phát hiện có rất nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn.
Cụ thể, 43 đập bị thấm nước (17 đập thấm nặng và 26 đập thấm nhẹ), 63 đập bị sạt lở mái thượng và 62 đập bị sạt lở hạ lưu. Về tràn xả lũ, toàn tỉnh Đắk Lắk có đến 248 công trình cũ chưa được gia cố bằng bêtông hoặc đá xây; 61 thân tràn bị hư hỏng (28 thân tràn bị hư hỏng nặng và 33 thân tràn bị hư hỏng nhẹ); 29 tràn bị xói lở đuôi tràn, tiêu năng, trong đó có ba tràn bị xói lở nặng; có 51 tràn thiếu khả năng tháo lũ…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, hiện trạng các công trình thủy lợi trên tỉnh Đắk Lắk phần lớn đều được xây dựng đã lâu, có những công trình được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Do đó, tiêu chuẩn thiết kế đã lạc hậu, lại trải qua nhiều tổ chức đơn vị quản lý khai thác, nên việc xuống cấp, hư hỏng là không thể tránh khỏi.
Mặc dù hằng năm đơn vị đã chi hàng chục tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng xuể so với nhu cầu thực tế. Do đó, dưới tác động của các dạng thời tiết cực đoan, đặc biệt là tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp, đã ảnh hưởng lớn đến an toàn công trình, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây vỡ đập ảnh hưởng đến tính mạng và đời sống của nhân dân vùng hạ du.
“Trước sự biến đổi dòng chảy và hạn chế xả nước, cùng với diện tích rừng mất đi nhanh chóng đã tác động không nhỏ đến việc biến đổi khí hậu cục bộ tại khu vực. Ngoài ra hiện tượng hạn hán xảy ra hằng năm, nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ khô cạn, đã không còn đủ nước để cấp nước phục vụ sản xuất cho người dân. Có thể nói biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp và tiêu cực đến công tác quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi của tỉnh Đắk Lắk” - ông Hạnh thừa nhận.
Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn toàn tỉnh có rất nhiều công tình hồ chứa thủy lợi đã bị hư hỏng. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách hạn hẹp, tỉnh rất cần đến sự trợ giúp từ Trung ương thì mới có thể khắc phục triệt để những vấn đề nêu trên.
Những năm gần đây thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, nếu không sớm đưa ra giải pháp xử lý thì những hồ, đập, công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng, mất an toàn này sẽ là mối đe dọa đối với hàng nghìn hộ dân ở hạ lưu. Điều này cũng đang khiến cho hàng nghìn hộ dân ở tỉnh Đắk Lắk sống trong cảnh bất an, nơm nớp lo sợ đến an toàn tính mạng và tài sản mỗi khi mùa mưa lũ đến.
Theo Phan Tuấn (LĐO)
https://laodong.vn/xa-hoi/dak-lak-khan-hiem-nuoc-san-xuat-ho-dap-thuy-loi-nhieu-nhung-hieu-qua-it-1127514.ldo

Có thể bạn quan tâm