Trước tình trạng rừng tự nhiên liên tục bị lâm tặc tàn phá, "xẻ thịt" trong một thời gian dài, tỉnh Đắk Lắk vừa kiến nghị trung ương sớm hoàn thiện một số cơ chế, chính sách để công tác bảo vệ, phát triển rừng trong tương lai được thuận lợi.
Rừng ở Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên vẫn đang bị lâm tặc tàn phá, xẻ thịt. Ảnh: B.T |
Cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách
Ngày 7.3, ông Nguyễn Hoài Dương - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tỉnh Đắk Lắk - cho biết: "Tỉnh vừa có kiến nghị đề xuất với Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn một số cơ chế, chính sách về lâm nghiệp để công tác bảo vệ, phát triển rừng đạt được hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Trên thực tế những năm qua, Nhà nước chưa quy định cụ thể một số nội dung và chưa cấp đủ kinh phí để thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất trong giai đoạn đóng cửa rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Nhà nước chưa có chính sách đặt hàng bảo vệ rừng tự nhiên nghèo (theo Nghị quyết số 30-NQ/TW) cho các đơn vị chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, các đơn vị sự nghiệp được giao rừng sản xuất, các doanh nghiệp cho thuê rừng tự nhiên sản xuất...".
Ông Dương đánh giá: "Thực tế, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ có chính sách hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng với mức hỗ trợ là 300.000 đồng/ha/năm. Với mức hỗ trợ này là quá thấp so với nhu cầu thực tế, không đảm bảo để thực hiện quản lý bảo vệ rừng.
Nếu so sánh số tiền trên với định mức quản lý bảo vệ rừng (về định mức kinh tế kỹ thuật về trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng) ở điều kiện bảo vệ bình thường là 7,28 công/ha/năm. Nguồn kinh phí bảo vệ rừng sẽ tương đương gần 1,3 triệu đồng/ha/năm.
Chính vì lẽ đó, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NNPTNT kiến nghị, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định cấp kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ Ngân sách Trung ương với mức tối thiểu 1,3 triệu đồng/ha/năm nhằm bảo đảm và nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng của các công ty TNHH MTV, HTV lâm nghiệp và các đơn vị quản lý bảo vệ rừng tự nhiên khác".
Áp lực giữ rừng, tránh lâm tặc dòm ngó của lực lượng chức ở Đắk Lắk đang là rất lớn. Ảnh: B.T |
Theo thống kê của Sở NNPTNT Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh có gần 30 ngàn ha rừng tự nhiên sản xuất được giao cho 44 UBND cấp xã thuộc 11 huyện trực tiếp quản lý.
Người đứng đầu ngành NNPTNT Đắk Lắk cũng đề nghị Bộ NNPTNT kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, nâng mức chi cho UBND cấp xã từ 100.000 đồng/ha/năm lên 500.000 đồng/ha/năm. Qua đó, tỉnh đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý.
Ngoài ra, Bộ cũng cần xem xét, có văn bản hướng dẫn cụ thể Ngân sách được cấp bù phần chênh lệch đối với diện tích rừng có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng thấp hơn mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo định mức để giúp các cho công ty hiện đang gặp rất nhiều khó khăn (nợ lương và bảo hiểm đối với người lao động).
Tăng quyền hạn cho lực lượng kiểm lâm
Ông Dương tiếp tục nhấn mạnh: "Thực tế hiện nay, Kiểm lâm địa phương gặp nhiều khó khăn. Việc giao biên chế nhân lực của Bộ không đáp ứng so với nhu cầu thực tế của tỉnh.
Đặc thù địa hình, diện tích rừng rộng lớn của Đắk Lắk đang chịu áp lực xâm hại rừng ngày càng cao. Lực lượng kiểm lâm phải có độ tuổi thích hợp mới đảm bảo sức khỏe tốt để kiểm tra, tuần tra rừng và xử lý vi phạm.
Từ thực tế nêu trên, đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ có chính sách biên chế riêng cho lực lượng kiểm lâm để bố trí đủ số lượng công chức kiểm lâm đáp ứng theo nhu cầu cần thiết của địa phương. Ngoài ra, cần có thêm chính sách đãi ngộ về tiền lương, độ tuổi nghỉ hưu".
Cần gia tăng quyền hạn, chế độ đãi ngộ hơn cho lực lượng kiểm lâm. Ảnh: B.T |
Theo ông Dương, ngoài ra, việc tăng quyền hạn cho kiểm lâm (tăng quyền hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính) để xử lý kịp thời, tránh không để đối tượng chạy trốn....; tăng thẩm quyền cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.
Trung ương cũng cần nghiên cứu bổ sung chế độ đặc thù cho lực lượng làm công tác quản lý bảo vệ rừng (người giữ rừng) được hưởng chế độ thương binh, liệt sỹ trong khi làm nhiệm vụ; chế độ, chính sách bảo hiểm ưu tiên cho người làm công tác giữ rừng; chính sách về tiền lương (nâng hệ số và mức lương cơ bản) để đảm bảo thu nhập cho người giữ rừng...
Theo BẢO TRUNG (LĐO)