TN - Đất & Người

Đắk Lắk: Kỳ thú, lang thang thổi khói mù mịt "săn lộc trời" của loài côn trùng ưa làm tổ ở dưới đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi độ cuối mùa khô, đầu mùa mưa, khi thiên nhiên bắt đầu đánh dấu sự chuyển mình bằng những loài hoa khoe sắc thì đó cũng là mùa những con ong thợ tất bật xây nên những khoang mật đầy ắp, vàng ươm.
Mùa đi “săn” mật ong rừng bắt đầu từ khoảng tháng ba âm lịch. Theo anh Mai Văn Bình (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thì cách gọi “ong rừng” là để chỉ các loài ong có trong tự nhiên như ong ruồi, ong khoái, ong mật đất…

Anh Mai Văn Bình lấy phần sáp chứa mật ra khỏi tổ ong.
Anh Mai Văn Bình lấy phần sáp chứa mật ra khỏi tổ ong.
Chỉ cần có kinh nghiệm quan sát và một chút may mắn sẽ có thể tìm thấy chúng ở nhiều nơi trong tự nhiên chứ không cần phải vào rừng như tên gọi.
Vào mùa lấy mật, anh Bình thường rủ bạn bè đi cùng, xem như đây là một dịp để khám phá tự nhiên và thử vận may.
Có những buổi, nhóm của anh thu được 3 - 4 lít mật ong rừng, đủ để dùng trong gia đình, nhưng cũng có những chuyến phải ra về tay không, mọi người vẫn rất vui vẻ.
Anh Bình chia sẻ, đa phần các tổ ong được anh tìm thấy ở các bờ đất, vách đá, sườn đồi. Lối vào tổ ong thường chỉ là một kẽ nứt hoặc một cửa hang nhỏ chừng ngón tay trỏ nhưng kích thước của tổ ong có thể rất lớn, tùy thuộc vào khoảng trống bên trong. 
Nếu gặp tổ ong làm trong các ụ mối rỗng, khe đá rộng có thể thu được vài lít mật trong một tổ. Để nhận biết, anh Bình thường quan sát kỹ số lượng ong đi kiếm ăn hoặc di chuyển bên ngoài tổ. 
Nơi nào có số lượng ong bay ra vào nhiều, lối đi mòn nhẵn thì khả năng cao sẽ có tổ ong to và đã tích đủ mật. 
Với những tổ ong còn mới, số lượng ong thợ chưa nhiều, anh thường ghi nhớ vị trí và tìm đến vào những chuyến đi sau.
Dụng cụ “săn” mật của nhóm anh Bình rất đơn giản, chỉ cần một chiếc xà beng ngắn, một con dao nhỏ, một chiếc xô và vài chiếc túi nilon sạch để đựng bánh mật. 
Sau khi xác định được vị trí tổ ong, anh Bình đốt một nắm cỏ khô xen lẫn những cành lá tươi rồi thổi khói vào bên trong để đàn ong không tấn công người lấy mật. 
Kế đến, mọi người thay phiên đào dần lớp đất, đá bên ngoài, mở rộng cửa hang sao cho dễ quan sát và lấy bánh mật ra ngoài.

Nhóm anh Mai Văn Bình đi “săn” mật ong rừng trên một quả đồi tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Nhóm anh Mai Văn Bình đi “săn” mật ong rừng trên một quả đồi tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Thao tác lấy ong mật cần thật nhẹ nhàng, cẩn trọng để tránh làm sập tổ, lẫn bụi đất vào trong bầu mật và phá vỡ nơi cư trú của đàn ong. 
Mỗi tổ ong trong tự nhiên đều được tổ chức thành các khoang chứa mật, khoang chứa nhộng và phấn hoa. Người lấy mật chỉ cần cắt lấy phần tổ chứa mật và để lại phần tổ chứa nhiều ong non cho chúng tiếp tục sinh sôi, phát triển.
Với anh Y Khơn Krông (xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), mật ong rừng giống như một thứ “lộc trời” chỉ có một vài tháng trong năm. 
Mùa nắng là mùa các loài ong ruồi, ong khoái, ong mật… thường sinh sôi mạnh và chia thành những đàn mới.
Nhiều khi chúng về làm tổ ngay trong vườn, chỉ cần đợi một thời gian ngắn cho tổ ong vừa “vít nắp” là anh có thể “chia phần” với chúng. 
Nếu lấy mật sớm, tổ ong còn nhỏ và ít mật, còn nếu lấy trễ thì cũng chẳng thu hoạch được là bao bởi đàn ong đã ăn hết mật, tổ khô và nhẹ. 
Những ngày ít việc, anh thường rủ thêm một số anh em đi tìm ong ở các vườn điều, đồi hoang, bìa rừng. Nếu may mắn, nhóm của anh có thể bắt được hàng chục tổ ong, một phần để gia đình sử dụng, một phần bán cho những người dân khác trong vùng với giá khoảng 250.000 đồng/kg tổ ong.
Màu sắc, hương vị của mật ong rừng phụ thuộc nhiều vào đặc tính kiếm ăn, nơi làm tổ của từng loài và đặc thù của các loại cây cỏ trong vùng.
Nhưng đều tựu trung ở vị mật thanh dịu, sánh đặc, mùi thơm nhẹ nhàng. Do số lượng không nhiều nên mật ong rừng thường đắt gấp 4 - 5 lần so với các loại mật ong nuôi và dễ bị làm giả hoặc pha trộn khiến người mua khó lòng phân biệt được. 
Tuy nhiên, chỉ nên xem mật ong rừng như một món quà quý của thiên nhiên chứ không nên lạm dụng, tránh việc khai thác quá mức làm phá vỡ quần thể loài ong trong tự nhiên.
Đinh Nga (Báo Đắk Lắk/Dân Việt)
https://danviet.vn/dak-lak-ky-thu-lang-thang-tren-nui-doi-san-loc-troi-cua-loai-con-trung-ua-lam-to-o-duoi-dat-20210705002452175.htm

Có thể bạn quan tâm