TN - Đất & Người

Đắk Lắk linh hoạt ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tính đến chiều 13/8, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 483 ca mắc COVID-19 trên 15/15 huyện, thị xã, thành phố; trong đó đã điều trị khỏi bệnh 75 trường hợp, 1 trường hợp tử vong.

Khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Trước áp lực ngày càng lớn của dịch COVID-19, đặc biệt số ca mắc mới ngày gia tăng nhanh, nhiều bệnh nhân chuyển nặng có nguy cơ tử vong, tỉnh Đắk Lắk đang nỗ lực triển khai các phương án ứng phó với dịch bệnh, nhất là nâng cao khả năng điều trị, cách ly y tế và giám sát tại cộng đồng.
Nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây
Tính đến chiều 13/8, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 483 ca mắc COVID-19 trên 15/15 huyện, thị xã, thành phố; trong đó đã điều trị khỏi bệnh 75 trường hợp, 1 trường hợp tử vong.
Đặc biệt, trong những ngày gần đây, số bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Nhiều chùm ca bệnh lây lan trong cộng đồng có dịch tễ phức tạp khiến nguy cơ cao dịch bùng phát trên diện rộng.
Vừa qua, ngành y tế Đắk Lắk đã ghi nhận hai chùm ca bệnh với trên 20 trường hợp mắc COVID-19, trong đó nhiều bệnh nhân là người trong một gia đình tại thôn 6 và thôn 7 xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc. Cả hai chùm ca bệnh này đều được ghi nhận ở những hộ gia đình đã vi phạm các quy định về phòng, chống dịch trong việc cách ly tại nhà, tụ tập đông người ngay trong thời gian địa phương này thực hiện giãn cách xã hội khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng.
Hiện, hàng trăm F1 của các chùm ca bệnh trên đã được ghi nhận; chính quyền địa phương và lực lượng y tế đang khẩn trương truy vết, xét nghiệm trên diện rộng tại xã Vụ Bổn để ngăn chặn dịch lan rộng trong cộng đồng.
Trong hai ngày 12 và 13/8, thành phố Buôn Ma Thuột ghi nhận 2 ca mắc và huyện Krông Ana ghi nhận 2 ca mắc dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Cả 4 trường hợp đã đến một số địa điểm đông người như chợ, siêu thị.
Cũng theo Sở Y tế Đắk Lắk, một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh bùng phát mạnh tại tỉnh là lượng người từ các tỉnh phía Nam về Đắk Lắk tránh dịch rất đông thời gian qua.
Từ ngày 27/4 đến nay, có hơn 82.500 người vùng dịch trở về, trong đó đã ghi nhận rất nhiều trường hợp mắc COVID-19. Dự báo, dịch sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường trên phạm vi toàn tỉnh.
Nâng cao năng lực điều trị và giám sát cộng đồng
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện toàn tỉnh có 145 khu cách ly tập trung, 4 cơ sở điều trị COVID-19 là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh (100 giường bệnh); Trung tâm Y tế huyện Krông Búk (100 giường bệnh); Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 (200 giường bệnh); Bệnh viện Dã chiến số 1 (1.000 giường bệnh). Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở điều trị chỉ đáp ứng cho bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Do đó, ngành y tế đang khẩn trương thiết lập khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, góp phần giảm tải cho các cơ sở điều trị COVID-19 và giảm nguy cơ tử vong của bệnh nhân nặng.
“Trước sự gia tăng nhanh của các ca mắc COVID-19 và dự báo dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khó lường, thời gian tới Sở Y tế sẽ tiếp tục xây dựng phương án với cấp độ cao hơn cho tình huống từ 1.000 đến 10.000 ca mắc. Đặc biệt, tập trung cho công tác chuẩn bị các khu cách ly, khu điều trị để chủ động ứng phó khi dịch bệnh bùng phát mạnh. Về vấn đề nguồn nhân lực, ngành y tế đã triển khai phương án huy động sinh viên chuyên ngành y-dược; kêu gọi các đội ngũ y, bác sĩ về hưu tham gia chống dịch để đảm bảo về nguồn nhân lực khi dịch bệnh bùng phát mạnh trong cộng đồng," ông Nay Phi La cho hay.

Hệ thống giường bệnh có đường dẫn các loại khí phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Hệ thống giường bệnh có đường dẫn các loại khí phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Theo bác sỹ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk, hiện năng lực điều trị của bệnh viện là 100 giường, trong đó có 10 giường cho bệnh nhân nặng.
Từ tháng 4/2021 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị gần 100 bệnh nhân, trong đó có 20 bệnh có dấu hiệu nặng và nguy kịch. Khó khăn hiện nay là bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi nên chưa được đầu tư đầy đủ hệ thống trang thiết bị y tế, máy móc để điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt chưa có khoa hồi sức tích cực nên bệnh viện phải cải tạo từ nhà ăn để đáp ứng nhu cầu hồi sức tích cực cho bệnh nhân; đầu tư hệ thống ôxy trung tâm.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của bệnh viện cũng rất mỏng, hiện chỉ có 6 bác sỹ tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, khả năng điều trị còn hạn chế. Tuy nhiên, với nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, sự hỗ trợ về nhân lực và máy móc từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi đã điều trị khỏi cho hàng chục bệnh nhân COVID-19, trong đó có những bệnh nhân nguy kịch đã được điều trị khỏi bệnh. Việc hội chẩn trực tuyến với các bác sỹ, chuyên gia điều trị tuyến Trung ương được thường xuyên triển khai để kịp thời cứu chữa những ca bệnh chuyển nặng.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng đã thiết lập khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng với 150 giường bệnh có trang bị hệ thống ôxy khí nén để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng; trong đó có 4 giường bệnh ở 2 phòng cách ly áp lực âm điều trị cho bệnh nhận rất nặng.
Dự kiến, ngày 16/8 khu vực này sẽ tiếp nhận bệnh nhân nặng để điều trị. Điều này sẽ giảm áp lực điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở khác cũng như đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân nặng trong bối cảnh dịch diễn biến ngày càng phức tạp.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bác sỹ Nguyễn Đại Phong cho biết để phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân đến khám chữa, bệnh viện đã bố trí khu điều trị COVID-19 với lối đi riêng, tách biệt hoàn toàn với khu khám, điều trị bệnh nhân thông thường. Cùng với đó, bệnh viện cũng thực hiện khai báo y tế và phân luồng, sàng lọc các trường hợp đến khám, chữa bệnh ngay cổng bệnh viện để phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ hoặc có triệu trứng mắc COVID-19 nhằm bảo vệ, duy trì hoạt động khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm