TN - Đất & Người

Đắk Lắk: Ngày trước những thứ này đem đốt bỏ, nay ủ làm phân bón, đúng là "nhất cử lưỡng tiện"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá phân bón liên tục tăng cao khiến nhiều nông dân gặp khó trong đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nông dân đã tự “gỡ khó” cho mình bằng việc tận dụng những thứ bỏ đi từ phụ phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ, bón lại cho vườn cây.
Ông Trần Ngọc Kim (thôn 6, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cho hay, từ khi học hỏi cách ủ phân vi sinh từ các phụ phế phẩm nông nghiệp, gia đình đã tận dụng hết các loại vỏ cà phê, gié tiêu, vỏ trấu… sau thu hoạch để làm phân hữu cơ. Mỗi năm gia đình làm được 14 – 15 tấn phân hữu cơ, giúp hỗ trợ giảm chi phí đầu tư phân bón khoảng 30 - 40%.
“Với gần 2 ha cà phê trồng xen hồ tiêu, mỗi năm gia đình phải bỏ ra từ 45 – 50 triệu đồng mua phân hóa học. Hiện giá phân bón ngày càng tăng cao nên người nông dân phải tự tìm cách tận dụng nguồn phân vô cơ có sẵn để tiết kiệm chi phí và giúp vườn cây phát triển tốt, cho năng suất cao”, ông Kim nói.

Cán bộ khuyến nông huyện Cư Kuin hướng dẫn người dân cách ủ phân hữu cơ đạt hiệu quả tốt.
Cán bộ khuyến nông huyện Cư Kuin hướng dẫn người dân cách ủ phân hữu cơ đạt hiệu quả tốt.
Tương tự, ông Vũ Duy Biên (thôn 6, xã Ea Tiêu) chia sẻ, cách đây 6 năm, gia đình đã biết cách tận dụng vỏ cà phê, mua thêm phân bò và các chế phẩm khác để ủ phân vi sinh. Với mức chi phí khoảng 10 triệu đồng, chỉ trong 3 tháng ủ thì sẽ có được khoảng 20 tấn phân hữu cơ, giúp gia đình giảm chi phí đầu tư phân bón khoảng 50% so với mua phân hoá học, nhưng vẫn giúp vườn cây phát triển tốt.
“Những năm trước, bà con thường đem đốt vỏ cà phê vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, nhưng khi tìm hiểu thì biết được vỏ cà phê khi ủ sẽ tạo được nguồn phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng nên gia đình tận dụng đem làm phân vi sinh. Đến thời điểm giá phân bón tăng cao, gia đình cũng không phải lo lắng về việc tăng chi phí đầu tư cho vườn cây”, ông Biên cho biết thêm.
Đối với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) thì việc sử dụng vỏ cà phê làm phân hữu cơ đã được bà con thực hiện khá lâu vì trước hết loại phân ủ này rất tốt cho đất và cây trồng. Sau khi thu hoạch cà phê, HTX tận dụng vỏ để ủ với phân chuồng và men vi sinh tạo thành phân hữu cơ. 
Đối với những khu vực bón phân hữu cơ từ vỏ cà phê thì đất tơi xốp, giun sinh sống rất tốt so với bón phân hóa học, giúp cây tiêu, cà phê phát triển tốt, năng suất cao hơn.
“Tây Nguyên có một lượng vỏ cà phê dồi dào, nếu tận dụng tốt để tạo thành phân hữu cơ thì sẽ giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đồng thời giữ cho môi trường được bền vững”, ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu khẳng định.
Theo Sở NN-PTNT, hiện nay hơn 80% vỏ cà phê đã được các đơn vị, doanh nghiệp và người dân tận dụng rất tốt để chế biến làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Người dân chỉ cần bỏ ra công lao động, vỏ cà phê và tiền mua men sinh học, phân chuồng (nếu gia đình không có), đường ăn. 
Từ đó, người dân có thể sản xuất ra phân hữu cơ sinh học đạt chất lượng tốt nhưng giá thành chỉ bằng 30% so với giá phân cùng loại bán trên thị trường.
Do đó, người dân có thể tiết kiệm được một lượng kinh phí đáng kể để đầu tư cho công việc khác. Mặt khác, bón phân hữu cơ sinh học từ vỏ cà phê giúp cây trồng phát triển, góp phần ổn định năng suất, giảm được lượng phân khoáng là hướng đi đầy tiềm năng để tiết kiệm chi phí sản xuất.
Hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn
Đắk Lắk là một tỉnh nông nghiệp nên khối lượng phụ phế phẩm từ nông nghiệp thải ra rất lớn. Chỉ riêng với sản lượng cà phê lớn, thì hằng năm, qua hoạt động chế biến sẽ thải ra môi trường khoảng 250.000 tấn phế phẩm nông nghiệp vỏ cà phê khô, là nguyên liệu rất có giá trị cho một vài ngành sản xuất công nghiệp. Đây là nguồn nguyên liệu khổng lồ có thể chế biến thành nguồn phân bón hữu cơ phục vụ tái sản xuất.

Vỏ cà phê được nông dân tận dụng làm phân bón hữu cơ.
Vỏ cà phê được nông dân tận dụng làm phân bón hữu cơ.
TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, trước đây chúng ta không quan tâm đến dinh dưỡng trong vỏ cà phê nên nông dân thường đốt bỏ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chất dinh dưỡng trong vỏ cà phê là rất cao, có thể nói không thua gì chất lượng của các loại phân chuồng tốt nhất hiện nay trên thị trường.
Chính vì vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, người dân đã bắt đầu dùng vỏ cà phê để ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. 
Theo tính toán của Viện Khoa học và kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, trên 1 ha cà phê nếu người dân sử dụng hoàn toàn vỏ cà phê ủ phân bón lại thì riêng lượng khoáng chất phải bổ sung cho cây trồng đã có thể tiết kiệm từ 10 - 15% chi phí đầu tư. Nếu người dân làm việc này liên tục thì lượng tiết kiệm sẽ nhiều hơn.
"Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, Hội Nông dân xã đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng các quy trình ủ phân vi sinh, tái sử dụng hiệu quả các phụ phế phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ để đầu tư lại cho vườn cây theo hướng nông nghiệp tuần hoàn".
Ông Nguyễn Đắc Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tiêu cho biết
Ngoài ra, khi bón phân hữu cơ ủ từ vỏ cà phê thì sẽ giúp cải tạo đất và tăng hiệu lực sử dụng phân bón hóa học cho cà phê cũng như các loại cây trồng khác.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin, mỗi năm huyện Cư Kuin có khoảng 36.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp, đây là nguồn nguyên liệu lớn để chế biến phân bón hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nếu như làm tốt thì có thể thay thế 30 – 40% phân vô cơ.
Với giá phân bón đang tăng cao thì người nông dân khi tận dụng được nguồn phụ phế phẩm để làm phân bón thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Sau nhiều năm triển khai các mô hình ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê, đến nay hầu hết các phụ phẩm nông nghiệp thải ra trong quá trình sản xuất đều được bà con tận dụng để ủ phân.
Đây là hướng đi phù hợp trong phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Sắp tới ngành nông nghiệp huyện Cư Kuin sẽ xây dựng một hệ thống nông nghiệp bền vững hơn, nghĩa là không kể các phụ phế phẩm nông nghiệp mà các tàn dư thực vật rớt xuống đất (lá cây, cành cây, cỏ…) đều được tận dụng và xử lý để chuyển hóa thành phân vi sinh. Nếu làm được điều này, người nông dân sẽ tiết kiệm được đến 50% chi phí phân bón.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay, nông nghiệp tuần hoàn dường như là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người, nhưng thực tế chính là tận dụng những thứ tưởng bỏ đi như phế phẩm nông nghiệp để làm thành phân bón, thức ăn chăn nuôi.
Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, hạn chế sự lãng phí, thất thoát và nhất là giảm tối đa chất thải ra môi trường.
Đây chính là điểm khác biệt lớn với nền kinh tế truyền thống mà người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên nhằm tối đa hóa sản lượng, vứt bỏ phế phẩm sau tiêu thụ, tạo ra một lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Minh Thuận (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm