TN - Đất & Người

Đắk Lắk: Sáng chế thùng trồng cây không cần tưới, bán sang Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nguyễn Quang Ngọc (51 tuổi) ở Đắk Lắk, đã có hơn 20 bằng sáng chế độc quyền được chứng nhận trong và ngoài nước. Đặc biệt, sáng chế thùng trồng cây không cần tưới của ông Ngọc được doanh nghiệp chuyển thành sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ.
Điều đặc biệt là ông hoàn toàn tự mày mò sáng tạo và chưa từng trải qua trường lớp nghiên cứu khoa học nào. Sáng chế đầu tiên của ông Nguyễn Quang Ngọc được ra đời trong những ngày ở Đắk Lắk, đó là sản phẩm phin cà phê sử dụng một lần.
Phin được thiết kế giống phin uống cà phê truyền thống của người Việt nhưng được điều chỉnh cà phê, đường, sữa sẵn trong phin (thành bánh nén). Phin sản xuất bằng nhựa, sử dụng một lần rồi bỏ. Sử dụng loại phin này vừa nhanh, tiện lợi lại đảm bảo vệ sinh. Sản phẩm đã được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế độc quyền...
 
Nhà sáng chế “chân đất” Nguyễn Quang Ngọc (bìa phải) và cộng sự bên những cây lên xanh tốt với chậu trồng cây không cần tưới
Từ thành công của sáng tạo đầu tiên, ông Ngọc có động lực để liên tục cho ra đời những sáng chế hữu ích khác, như: bánh cà phê nén; thiết bị xới đất rung động địa chất; máy nối màng ngoại kích; cơ cấu cấp nước cây trồng, thiết bị giữ ẩm cây trồng; máy phun phân, nước tự động...
Đặc biệt, thiết bị xới đất bằng rung động địa chất sẽ tác động trực tiếp đến nhu cầu sinh trưởng của cây trong từng giai đoạn sinh trưởng rễ, thân, lá, hoa và quan trọng là thay thế sức lao động của nông dân. Nghĩa là, không cần sự tác động của nông dân, cây vẫn phát triển, ra hoa, kết trái tốt...
Ông Ngọc bộc bạch, mô hình “thùng trồng cây không cần tưới nước” nói nôm na là kỹ thuật trồng cây không mất công tưới nước, được phỏng theo cấu trúc 3 tầng của rừng Amazon, một trong những nơi có hệ thống thực vật tốt nhất thế giới. Cách trồng cây mới này được ông nghiên cứu và thử nghiệm hơn 5 năm.
“Quan trọng hơn là nông dân sẽ tìm được giải pháp hữu hiệu nhằm điều chỉnh hạn hán, thoát úng, tiết kiệm hơn 80% nước, hơn 60% công lao động, hơn 60% năng lượng và tăng năng suất hơn 30%. Khi trồng theo phương pháp này, các thùng trồng cây được sắp xếp gồm 7 phần, phân thành 3 tầng từ trên xuống: tầng đất và cây trồng; tầng không khí và thông khí; tầng chứa nước”, ông Ngọc chia sẻ.
Khi lắp đặt xong, cho đất và trồng cây vào thùng. Ở lần cấp nước đầu tiên, nước vào thùng qua miệng sao cho thấm đều hết đất. Nước tiếp tục di chuyển xuống đáy thùng và dâng lên cho đến khi cao bằng lỗ mực nước thì chảy ra ngoài, dừng việc cấp nước.
Trong quá trình trồng, nhu cầu cấp thoát nước của cây diễn ra một cách tự động, cây luôn luôn đủ khí và nước, do đó việc chăm sóc cần rất ít sự tác động của bàn tay con người ngoài việc cấp phân, khoáng chất và thu hoạch. Ngoài ra, cách làm này còn tiết kiệm được chi phí, mang lại hiệu quả trong quá trình canh tác cây trồng. Cây trồng được ở mọi nơi.
Sáng chế này của ông Ngọc đã được Công ty CP Trái Đất xanh tươi chuyển sang chế tạo sản phẩm thực tế là thùng và chậu trồng cây, xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Australia, Nhật…Giải pháp được đánh giá hữu ích cho các công ty môi trường có sử dụng cho các công trình công cộng; các hộ dân ứng dụng trong việc trang trí thảm xanh cho nhà cao tầng. Giá thành mỗi thùng hoặc chậu chỉ dao động khoảng 200.000 - 500.000 đồng/sản phẩm.
DNVN/theo SGGP

Có thể bạn quan tâm