TN - Đất & Người

Đắk Lắk: Trồng cây bơ "không tên" vẫn thu tiền tỷ, "đá" văng các giống bơ ngoại ra khỏi nhiều khu vườn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau nhiều năm “lép vế” trước xu hướng canh tác các giống bơ có nguồn gốc từ nước ngoài, cây bơ bản địa mà nhất là các giống bơ có nguồn gốc từ tỉnh Đắk Lắk đang được quan tâm nhiều hơn và dần khẳng định được chỗ đứng của mình tại thị trường trong và ngoài nước.
Làm giàu nhờ cây bơ "không tên"
Ở xã Ea Nam (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), ông Hoong Trần Sáng là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu với thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, phần lớn đến từ vườn bơ sáp muộn. 
Toàn bộ diện tích gần 3 ha của gia đình ông nằm trên đồi cao, cách xa nguồn nước suối, việc canh tác từng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hoong Trần Sáng (bên trái), xã Ea Nam huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk thu hoạch giống bơ muộn trong vườn.
Ông Hoong Trần Sáng (bên trái), xã Ea Nam huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk thu hoạch giống bơ muộn trong vườn.
Năm 2004, ông tự ươm hàng nghìn cây bơ giống từ hạt của cây mẹ tại buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) rồi trồng xen với cà phê trong vườn. Ba năm sau, những cây bơ đồng loạt cho trái bói, nhưng đều bị hiện tượng thoái hóa giống, nhiều cây cho trái rất nhỏ, vỏ nhám, sần sùi. 
Khắp cả vườn, ông chỉ chọn được một cây duy nhất giữ được đặc tính của cây mẹ với vỏ dày, da đẹp, cơm vàng, hạt nhỏ. Để phát triển giống bơ này, ông tự mày mò cắt, ghép trên toàn bộ các cây bơ còn lại, tổng số lượng duy trì đến nay khoảng 600 cây.
Ông Sáng cho biết, hai ưu điểm vượt trội giúp giống bơ của gia đình ông luôn có được đầu ra ổn định là quả to đều và chín muộn. Thông thường, khoảng đầu tháng 7 âm lịch, khi các giống bơ khác ở địa phương không còn trái, ông mới bắt đầu thu hoạch rộ với sản lượng khoảng 1 tấn bơ/ngày. 
Toàn bộ sản lượng bơ được một đầu mối thu mua ổn định nhiều năm qua để xuất khẩu sang Thái Lan, Campuchia. Vụ bơ năm 2019, ông thu hoạch hơn 30 tấn bơ loại 1 (trọng lượng 400g/trái trở lên), với giá bình quân 23.000 đồng/kg. 
Tổng thu nhập từ bơ đạt gần 800 triệu đồng. Năm nay, dù giá bơ chịu tác động chung của dịch Covid-19, nhưng thương lái vẫn bao tiêu với giá 15.000 đồng/kg, cao gấp 4 – 5 lần so với giá bơ ở địa phương. Ông Sáng dự kiến tổng nguồn thu từ vụ bơ này được khoảng 500 triệu đồng.
Cần xây dựng thương hiệu cho các giống bơ bản địa
Xuất phát từ ý tưởng xây dựng vùng bơ chuyên canh theo hướng chất lượng cao, hơn ba năm qua, Hợp tác xã Bơ Đại Hùng Đắk Lắk (HTX) đã sưu tầm và phát triển được nhiều giống bơ sáp từ các cây mẹ ngay tại địa phương. 
Tiêu biểu nhất phải kể đến dòng bơ sớm Acado và bơ Tứ quý cho thu hoạch từ tháng 2 đến tháng 5 (âm lịch) hằng năm. Trong đó, giống Acado do đơn vị tự đặt tên, nhân giống từ cây mẹ ngay tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). 
Ngoài ưu điểm cho thu hoạch sớm hơn hẳn so với các giống bơ khác, bơ Acado còn cho trái đồng đều, trọng lượng bình quân lên đến 600g/trái, cơm vàng, dẻo, béo ngậy. Vụ bơ năm nay, với 100 cây bơ sớm, HTX đã thu hoạch được gần 10 tấn, xuất bán cho các siêu thị, đầu mối thu mua và bán lẻ, giá bình quân 30.000 đồng/kg.

Ông Đặng Huy Hùng kiểm tra chồi bơ ghép cải tạo trong vườn thành viên Hợp tác xã Bơ Đại Hùng Đắk Lắk.
Ông Đặng Huy Hùng kiểm tra chồi bơ ghép cải tạo trong vườn thành viên Hợp tác xã Bơ Đại Hùng Đắk Lắk.
Ông Đặng Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, mặc dù Đắk Lắk được xem là thủ phủ của cây bơ với nền tảng lâu dài về thời gian, thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, song về quy hoạch hay quy mô chuyên canh đều không vượt trội, thậm chí có phần thua kém các tỉnh mới phát triển cây bơ sau này như tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông...
Phần lớn nông dân vẫn xem bơ là cây trồng phụ, trồng xen, chưa đầu tư thích hợp nên chất lượng, mẫu mã còn thiếu tính đồng đều, ổn định. Chính vì vậy, HTX hiện đang phát triển cây bơ theo hướng vừa làm vừa cải tạo, ghép các giống bơ được thị trường ưa chuộng để thay thế dần những giống bơ bị thoái hóa, chất lượng kém.
Nhận định về tương lai của các giống bơ bản địa, ông Đặng Huy Hùng chia sẻ, trước tác động của biến đổi khí hậu, các giống bơ “nội” đang dần thể hiện tính thích nghi tốt hơn nhờ chu kỳ sinh trưởng của trái ngắn hơn, sức chống chịu sâu bệnh cao, ít tốn công và chi phí chăm sóc hơn so với các giống bơ “ngoại”. 
Tuy nhiên, để cây bơ thực sự phát triển bền vững, nông dân cần chọn đúng giống ngay từ khi trồng mới hoặc ghép cải tạo, cũng như chú trọng hơn đến kỹ thuật, quy trình đầu tư, chăm sóc để ổn định về chất lượng sản phẩm. 
Bên cạnh đó, việc liên kết xây dựng vùng cung ứng chuyên biệt cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng sức cạnh tranh, độ tin cậy của từng dòng bơ, đáp ứng yêu cầu của thị trường hàng hóa hiện nay.
Ngoài các giống bơ sớm, Hợp tác xã Bơ Đại Hùng Đắk Lắk đang nhân rộng diện tích bơ 034 (nguồn gốc từ Lâm Đồng), bơ TA 21 (do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên phát triển), kéo dài thời gian cung ứng bơ ra thị trường lên đến 9 tháng/năm. HTX cũng đã xây dựng được 5 ha sản xuất bơ đạt chứng nhận VietGAP; đầu tư quảng bá tại nhiều tỉnh thành; xây dựng thương hiệu từ hình ảnh, bao bì đến truy xuất nguồn gốc… 
Theo Dân Việt
https://danviet.vn/dak-lak-trong-cay-bo-khong-ten-van-thu-tien-ty-da-vang-cac-giong-bo-ngoai-ra-khoi-nhieu-khu-vuon-20200910112938945.htm

Có thể bạn quan tâm