Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) được xây dựng với tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Việc trám, vá những vị trí bong tróc không đảm bảo khiến mặt đường nham nhở, xấu xí.
CLIP: Cận cảnh đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Tây TX Buôn Hồ gần 600 tỷ đồng vừa bàn giao đã vá nham nhở. Video: Ngọc Giàu
Sửa chữa qua loa, chắp vá
Đường Hồ Chí Minh tuyến tránh phía Tây TX Buôn Hồ (Đắk Lắk) dài 26 km, có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) tại xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk và điểm cuối ra lại đường Hồ Chí Minh tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'Gar. Tuyến đường có tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Dự án này đã hoàn thành và được chủ đầu tư nghiệm thu, bàn giao cho Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) quản lý, khai thác.
Tuyến đường tránh phía Tây TX Buôn Hồ mới được bàn giao đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: N.G |
Thế nhưng, trên tuyến đường này đã xuất hiện nhiều dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, đoạn đường hư hỏng nhiều nhất là từ km 1.728+400 kéo dài đến km 1.740 (khoảng 12 km).
Theo ghi nhận của PV Báo Dân Việt, tại km 1734+500 - km 1734+800, mặt đường xuất hiện nhiều vết trám nhựa loang lổ, sơ sài.
Ổ gà được lấp nhựa nổi lên trên mặt đường. Ảnh: N.G |
Ông Phạm Văn Hương, một người dân ở huyện Krông Búk cho biết, ông thường xuyên đi lại trên tuyến đường này ngay từ khi mới hoàn thành. Gần đây ông thấy nhiều đoạn đường bị bong tróc, được trám vá nham nhở. Xe cộ chạy không êm mà lại còn xấu xí.
Được biết sau khi mặt đường bị bong tróc, nhà thầu đã chở một khối lượng lớn đá mi về tập kết ngay bên cạnh tuyến đường. Sau đó cho công nhân đốt nhựa đường, múc bằng gàu tưới lên mặt đường rồi hốt đá mi phủ lên.
Mặt đường loang lổ sau khi được đơn vị thi công vá víu. Ảnh: N.G |
Chia sẻ về cách vá đường này, một người am hiểu về quy trình thi công cầu đường ở tỉnh Đắk Lắk cho biết, đối với các tuyến đường thảm bê tông nhựa đang trong thời gian bảo hành mà mặt đường hư hỏng thì nhà thầu phải cắt bỏ lớp mặt bê tông nhựa bị hỏng phía trên, rồi tiến hành thảm nhựa lại từ đầu.
"Nếu như người dân chứng kiến, việc nhà thầu sửa chữa tuyến đường bằng phương pháp tạt nhựa rồi rải đá mi phủ lên là không bảo đảm theo hợp đồng đã ký kết thi công", người này phân tích.
Đề nghị chủ đầu tư khắc phục hư hỏng
Thực tế cho thấy, khi nhà thầu khắc phục những vị trí bị bong tróc bằng phương pháp thủ công thì trên mặt đường xuất hiện chi chít những vệt đá mi kéo dài. Đặc biệt, ở nhiều đoạn dốc, góc cua, đá mi còn vương vãi trên mặt đường.
Đơn vị thi công đã phủ một lớp đá mi ở trên mặt đường. Ảnh: N.G |
Ông Huỳnh Tấn Thành, một người đi đường cho biết, lớp đá mi này là những chất liệu mà nhà thầu vá víu tuyến đường còn dư thừa, vương vãi trên mặt đường. Mỗi khi phương tiện giao thông đi qua nếu phanh gấp rất thì dễ bị trơn trượt, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông.
Chia sẻ về việc này, đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết, công trình do đơn vị làm chủ đầu tư, đã được bàn giao cho Tổng Cục đường bộ Việt Nam tiếp nhận đưa vào sử dụng.
Đá mi trên mặt đường có thể gây trơn trượt cho các phương tiện giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn. Ảnh: N.G |
Trong khi đó, theo lãnh đạo Chi cục Quản lý đường bộ III.5 thuộc Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), vừa qua đơn vị đã nhận bàn giao theo hiện trạng tuyến đường này. Đối với những đoạn đường hư hỏng, đơn vị đang yêu cầu chủ đầu tư (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk - PV) sửa chữa bảo đảm theo yêu cầu bởi tuyến đường này vẫn đang trong thời gian bảo hành.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, tuyến đường này đơn vị chưa tổ chức tuần tra, kiểm soát. Nhưng từ năm 2020 đến nay đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 5 người chết và 2 người bị thương.
Theo Ngọc Giàu (Dân Việt)